Móng tay xuất hiện sọc đen có phải ung thư da?

04/04/2024 10:38:30

Móng tay đột ngột xuất hiện một dải màu đen nhạt chạy dài khiến nhiều người lo lắng mắc ung thư.

Điều dưỡng Đặng Thị Dịu Hiền, Trung tâm Da liễu Dị ứng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ trên Báo VnExpress, dải sắc tố tại móng là thuật ngữ y học được sử dụng để mô tả sắc tố đen hoặc nâu của móng, đặc trưng bởi sự xuất hiện của một dải sắc tố (một phần hoặc toàn bộ) chạy dọc theo chiều dài móng.

Biểu hiện bệnh là do sự lắng đọng tế bào sắc tố được gọi là tế bào melanoctytes tại vùng dưới móng, các tế bào sắc tố này thường liên kết với nhau, cùng với sự phát triển của móng theo chiều dọc gây ra các đường tăng sắc tố màu nâu hoặc màu đen trên móng.

Nếu chỉ nhìn vào dấu hiệu này thì chưa khẳng định được là ung thư hắc tố da. Thực tế, có nhiều nguyên nhân gây sắc tố đen hoặc nâu của móng.

Móng tay xuất hiện sọc đen có phải ung thư da?
Nhiều người thắc mắc móng tay xuất hiện sọc đen có phải ung thư da.

Nguyên nhân gây sắc tố đen hoặc nâu của móng:

- Chấn thương móng (thường bắt đầu trên hoặc gần gốc móng tay).

- Mụn cóc (dưới móng tay)

- Nấm móng (bệnh nhiễm trùng móng thường gặp)

- Bệnh vẩy nến móng tay (rối loạn tự miễn dịch)

- Lichen planus (tình trạng viêm da được cho là tự miễn dịch)

- Viêm quanh móng mạn tính

- U hạt nhiễm khuẩn

- Bệnh Addison (suy tuyến thượng thận do bệnh tự miễn, ung thư, nhiễm trùng hoặc khối u tuyến yên)

- Di truyền

- Hóa trị, xạ trị

Ung thư hắc tố dưới móng chủ yếu được phát hiện ở những người trên 50 tuổi và được coi là hiếm, chỉ chiếm 0,7-0,35% các loại ung thư da.

Các dấu hiệu của bệnh bao gồm: thương tổn chiếm hơn 2/3 tấm móng; màu sắc xám hoặc đen pha nâu, sắc tố màu nâu và dạng hạt không đều, các biến thể về màu sắc và độ dày của sọc, sự biến dạng của tấm móng.

Một trong những dấu hiệu chính của u hắc tố dưới da là "dấu hiệu Hutchinson" (tăng độ rộng của dải sắc tố vùng gần gốc móng hoặc 2 bên).

Tổn thương lành tính nhận biết bởi sự xuất hiện của các sọc màu nâu nhạt đến đậm, song song và đều đặn về màu sắc, đường viền sẽ được xác định rõ ràng và chiều rộng thường nhỏ hơn 3 mm hoặc khoảng 1/10 inch.

Báo Thanh Niên dẫn lời Tiến sĩ Skylar Souyoul, bác sĩ da liễu Mỹ chia sẻ, u ác tính ở móng tay thường được phát hiện muộn so với u ác tính trên da, nên thường nguy hiểm hơn. Nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trên móng tay, đặc biệt là xuất hiện một vệt màu nâu hoặc đen trên móng tay, hãy đi khám càng sớm càng tốt.

U ác tính ở móng tay phổ biến hơn ở những người lớn tuổi và ở những người có làn da sẫm màu.

 

Tiến sĩ Souyoul cảnh báo rằng tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị u ác tính, đặc biệt mọi người cần lưu ý là chấn thương móng tay cũng có thể là các yếu tố nguy cơ.

Bác sĩ cho biết ung thư hắc tố móng nếu được phát hiện sớm, hoàn toàn có thể chữa khỏi. Nếu được phát hiện sớm, khối u ác tính - ngay cả trên móng tay - cũng rất có thể điều trị được.

Các tác giả của nghiên cứu Australian Family Physician năm 2016 lưu ý rằng "việc phát hiện khối u ác tính dưới móng ở giai đoạn đầu đóng vai trò rất quan trọng đối với khả năng chữa khỏi bệnh".

Tiến sĩ Souyoul nói: "Cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư da trên móng tay, khi có thể điều trị tốt nhất, là biết dấu hiệu để nhận biết và thường xuyên kiểm tra móng tay".

Nếu phát hiện ra khối u ác tính ở giai đoạn đầu - trước khi nó di căn đến các hạch bạch huyết, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 92%, theo Học viện Da liễu Mỹ - American Academy of Dermatology.

PN (SHTT)