Lý do bệnh ung thư khó điều trị

02/04/2024 07:12:15

Phát hiện ung thư từ 3 năm trước, bệnh nhân dùng hóa chất để điều trị, tưởng chừng đã khỏi. Nhưng khi tái khám sau 8-10 tháng, người này lại xuất hiện thêm tế bào ác tính.

Xin chào bác sĩ, người nhà tôi phát hiện ung thư từ 3 năm trước, đã điều trị tới 70 mũi hóa chất. Bệnh đã thoái lui nhưng cứ 8-10 tháng sau đi tái khám lại ghi nhận thêm tế bào ác tính. Công cuộc điều trị rút cạn sức khỏe, tài chính của gia đình. Hiện chúng tôi vẫn mong chờ vài năm tới công nghệ phát triển, người thân có thể khỏi bệnh. Vì sao ung thư lại khó điều trị như vậy? Tôi cảm ơn! (Hoàng Mỹ Hà, trú tại Từ Sơn, Bắc Ninh).

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đức Cảnh - Trung tâm Nội soi và thăm dò chức năng, Bệnh viện K (Hà Nội) tư vấn:

Ung thư không phải là một căn bệnh cụ thể mà là thuật ngữ chung cho hơn 200 bệnh khác nhau. Mỗi loại ung thư chính lại có nhiều nhóm nhỏ, mang các đặc điểm di truyền và phân tử khác nhau. Nguyên nhân là do ung thư phát triển từ tế bào của cơ thể nên các tế bào ung thư cũng đa dạng như chính các tế bào của cơ thể chúng ta.

Nguyên nhân của ung thư là do đột biến vật liệu di truyền của tế bào, cụ thể là ADN. Ung thư hình thành từ sự tích tụ của các đột biến ADN và khi ung thư phát triển thì sẽ có nhiều đột biến khác nhau xuất hiện. Vì vậy, hai người mắc cùng một loại ung thư nhưng có thể do xuất phát từ các đột biến khác nhau. Những loại đột biến phổ biến sẽ được nghiên cứu nhiều hơn để tìm phương pháp điều trị phù hợp.

Với những loại đột biến hiếm gặp thì những phương pháp điều trị trên lại ít hoặc không có tác dụng. Do đó, một loại thuốc có tác dụng với bệnh nhân ung thư này nhưng có thể không tác dụng với người khác. 

Lý do bệnh ung thư khó điều trị
Tế bào ung thư sinh sản và phát triển nhanh chóng. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Tế bào ung thư trong cùng một khối u có thể có những đột biến khác nhau. Một phương pháp điều trị có thể tiêu diệt tất cả tế bào giống nhau trong khối u nhưng những tế bào khác sẽ kháng thuốc và tiếp tục tồn tại sau quá trình điều trị, phát triển tăng số lượng.

Các đột biến gen tế bào ung thư có được theo thời gian khiến chúng thay đổi cách thức hoạt động. Đột biến có thể khiến các tế bào ung thư hình thành khả năng kháng lại phương pháp điều trị từng hiệu quả. Khi đó, bệnh nhân sẽ cần có cách chữa khác. 

Hơn nữa, tế bào ung thư có khả năng sống sót rất tốt. Chúng có thể né tránh hệ miễn dịch nên vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển không kiểm soát được. Tế bào ung thư có thể hình thành rất nhiều phương thức để lẩn tránh sự tiêu diệt của cơ thể. 

Hiện nay, những tiến bộ trong hiểu biết của con người về bệnh ung thư sẽ giúp chúng ta tìm ra những phương pháp điều trị mới. Một số loại ung thư đã có cách chữa hiệu quả như ung thư vú, cổ tử cung trong khi tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư tụy vẫn rất thấp. 

Theo Phương Thúy (VietNamNet)