Sinh con thứ 2, thứ 3 là niềm vui, sự may mắn trong gia đình. Tuy nhiên trước khi đi đến quyết định này, các bậc cha mẹ cần phải chuẩn bị tâm lý và lường được những điều có thể xảy ra, ứng phó để những tổn thương không xảy đến với đứa con đầu lòng.
Một clip được chia sẻ làm xôn xao mạng xã hội xứ Trung vì những gì xuất hiện trong đó chỉ khoảng 10 giây nhưng đủ để khiến bất kì ai cũng phải "đau xé lòng". Theo chia sẻ của người mẹ, vào một hôm khi cả nhà đang quây quần ăn uống thì đứa con thứ 2 của chị khóc. Theo phản xạ tự nhiên, cả gia đình bao gồm ông bà và bố mẹ đều vây quanh đứa con thứ 2, dỗ dành bé để bé nín mà không biết rằng, phía xa xa một góc đang bao trùm sự tổn thương ghê gớm.
Đứa con trai đầu lòng của chị, 4 tuổi, đang ngồi trên bàn không nói gì cả, cũng không khóc và giương đôi mắt u sầu trân trân nhìn vào mọi thành viên trong gia đình đang vây quanh em mình, cậu nhóc tủi thân ghê gớm, gục mặt xuống bàn.
Rất may điều đó chỉ diễn ra trong phòng ít giây, bố của đứa trẻ đã nhanh chóng phát hiện ra điều đó, chạy lại ôm lấy cậu con trai và lúc này, nước mắt của cậu bé đã thực sự trào ra. Người mẹ cho biết, mặc dù sau một lúc cuối cùng cũng xoa dịu được tâm trạng của con trai nhưng cứ mỗi lần xem lại đoạn video này, chị lại cảm thấy đau lòng, không ngờ con trai nhỏ lại có cảm xúc đến như vậy.
Câu chuyện chia sẻ của chị cũng như một điều nhắc nhở đến các gia đình có 2 con, 3 con... rằng hãy quan tâm thật nhiều đến cảm xúc của tất cả các con mình. Đồng cảm với người mẹ, nhiều cư dân mạng xã để lại bình luận:
- Thấy đau lòng cho anh trai quá, mẹ ơi nhanh ôm lấy con.
- Ôm lấy con lớn đi cha mẹ ơi.
- Nhìn con tội quá.
- Các bậc cha mẹ nếu không có sự cân bằng tốt thì chỉ nên sinh một đứa thôi nhé. Nhìn mà đau lòng quá.
Khi có con thứ hai, các bậc cha mẹ thường chỉ nghĩ đến những hình ảnh tốt đẹp giữa các con, các con sẽ cùng nhau chơi, cùng nhau ăn, cùng nhau lớn lên và chăm sóc lẫn nhau. Tuy nhiên cha mẹ không lường trước được những cảm xúc tiêu cực mà đứa trẻ lớn phải chịu đựng khi nhà bỗng dưng có thêm em và sự quan tâm của mọi người dành cho mình cũng bị ít dần đi.
Do đó, trong gia đình có 2 con, đông con, cha mẹ làm thế nào để cân bằng mối quan hệ giữa hai con?
Đối xử công bằng nhất có thể
Điều quan trọng nhất đối với hai đứa trẻ là thái độ của cha mẹ, họ phải cố gắng đối xử công bằng nhất có thể với chúng. Khi xảy ra mâu thuẫn giữa hai con, cha mẹ không nên thiên vị con thứ hai vì con còn nhỏ và "mù quáng" yêu cầu con lớn nhường chỗ cho con thứ hai mà nên cố gắng giải quyết một cách khách quan và đối xử bình đẳng với cả hai. Tất nhiên, nếu có thể, cách tốt nhất là để hai đứa trẻ tự giải quyết vấn đề và dạy chúng khiêm tốn, yêu thương nhau.
Đừng so sánh nhau
“Hãy nhìn xem anh con ngoan ngoãn biết bao”, “hãy học tập anh con”… Có thể nhiều bậc cha mẹ đã nói điều này nhưng thực tế nó rất dễ dẫn đến xung đột giữa các con. Theo thời gian, thậm chí điều này sẽ tạo ra khoảng cách giữa các con và trở thành sự cạnh tranh khốc liệt.
Là cha mẹ, bạn nên giỏi trong việc khám phá những đặc điểm khác nhau của con mình và khuyến khích con phát triển sự tôn trọng đối với sự độc đáo và khác biệt của mỗi đứa trẻ.
Quan tâm hơn đến cảm xúc của con lớn
Sau khi sinh đứa thứ hai, khoảng cách lớn nhất thực ra là ở con lớn, con lớn thường có được tất cả tình yêu và sự quan tâm, nhưng sau khi đứa con thứ hai ra đời, tình yêu này đã bị chia làm hai hoặc thậm chí nhiều hơn. Người lớn hãy tưởng tượng ra khoảng cách đó.
Vì vậy, sau khi sinh bé thứ hai, cha mẹ cũng nên quan tâm hơn đến tình cảm của bé lớn và dành thời gian cố định ở riêng với bé lớn mỗi ngày, để bé lớn cảm nhận được tình yêu thương vẫn thuộc về mình.
Cho trẻ không gian ở một mình
Các mối quan hệ được vun đắp trong sự đồng hành lẫn nhau, và điều này cũng đúng giữa những đứa trẻ. Cha mẹ có thể tạo nhiều không gian cho con ở một mình, để hai đứa trẻ có thể hòa hợp với nhau, tìm hiểu thêm về nhau và cùng nhau vượt qua khó khăn và làm thắt chặt thêm tình cảm anh chị em.
Tất nhiên trong quá trình hòa hợp sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn, nhưng chỉ cần chưa có vấn đề lớn thì hãy cố gắng để trẻ tự giải quyết, cha mẹ có thể đưa ra những hướng dẫn phù hợp để trẻ học cách giải quyết xung đột với nhau và hòa hợp với nhau.
Để con lớn tham gia chăm sóc đứa con thứ hai
Trước khi cha mẹ quyết định sinh con thứ hai, con cả với tư cách là thành viên trong gia đình nên được báo trước thay vì đợi đến khi sinh con thứ hai mới đột ngột nói với con lớn rằng bé có em.
Sau khi em bé thứ hai chào đời, cha mẹ không chỉ quan tâm đến những thay đổi về mặt cảm xúc của em bé thứ hai mà còn cho phép em bé thứ nhất tham gia vào quá trình chăm sóc em bé thứ hai, để em bé đầu tiên có thể nhận thức được mình. Trong quá trình đó, cha mẹ cũng có thể nuôi dưỡng tình cảm của đứa con đầu lòng dành cho đứa con thứ hai và giảm bớt những cảm xúc tiêu cực của đứa con đầu lòng đối với đứa con thứ hai.
Theo Chi Chi (Phụ Nữ & Pháp Luật)