Chi tiêu trong cuộc sống hôn nhân là vấn đề ẩn chứa rất nhiều những khúc mắc mà không phải cặp vợ chồng nào cũng nói ra và cũng không dễ để giải quyết.
Câu chuyện của người chồng đưa vợ 20 triệu/tháng vợ vẫn không ưng
Mới đây, anh chồng có tài khoản facebook H.K chia sẻ câu chuyện cuả mình và xin ý kiến từ cộng đồng mạng. Anh kể:
"Mình 33 tuổi rồi. Lấy vợ khá muộn vì học hành và làm kinh tế.
Mình vừa lấy cuối năm ngoái thôi. Vợ cũng 27-28 tuổi rồi. Năm vừa rồi 2 vợ chồng cãi nhau suốt vì việc ai là người cầm kinh tế.
Mình đi làm lương trong ngoài cũng hơn 50 triệu/tháng. Vợ tầm 18-20 triệu. Vợ thì cứ đòi mình phải đưa hết lương để vợ chi tiêu còn mình thì chỉ muốn góp 20 triệu/tháng thôi. 2 vợ chồng giờ vợ bầu bí vẫn đi làm chi tiêu vẫn dư thừa bình thường.
Nhà cửa xe cộ mình có từ trước không phải lo lắng gì cả. Lấy nhau về 2 vợ chồng chỉ làm ăn với sinh con thôi.
Vợ càu nhau suốt cả năm, bảo bạn bè ai cũng cầm lương chồng, tiền quy về 1 mối và mỗi tháng mình chỉ nên giữ lại 5-7 triệu tiền tiêu. Mình cũng không quan tâm việc đấy lắm, chỉ quan tâm xem chi tiêu gia đình có đủ và thoải mái không.
Giờ tự nhiên đưa hết lương mỗi lần việc gì xin xỏ nghe nó buồn cười.
Cãi nhau mãi cũng chán. Vợ chồng mình thì quen và cưới chỉ 7 tháng thôi. Bảo tin tưởng giao hết tiền nong thật là mình cũng không tin tưởng hoàn toàn".
Câu chuyện thu hút rất nhiều ý kiến, đa phần mọi người đồng cảm với người chồng (trong đó có rất nhiều phụ nữ). Đây là vẫn đề từng xuất hiện trong rất nhiều gia đình khi tình yêu cuối cùng cũng bị sự tầm thường nhất của tiền bạc chi phối.
Một người bình luận: "Vợ chồng làm cái tài khoản tiết kiệm chung, ai chi tiêu gì thì biết. Thế đưa hết cho vợ, nếu vợ là người không biết chi tiêu tiêu xài hoang phí thì sao? Tốt nhất là công khai chi tiêu có vấn đề gì còn biết".
Người khác đưa ra ý kiến: "Thực ra mới lấy nhau về cũng chưa tin tưởng để giao hết như vậy thật. Sau này con cái rồi vợ chồng gắn bó hơn 5-7 năm sau thì tôi tin không đòi ông chồng cũng tự nguyện đưa hết thôi".
Một cô vợ bình luận: "Tôi rút kinh nghiệm từ mẹ tôi ra, tôi nghĩ chả tội gì phải cầm lương chồng. Nên chia ra khoản nào ai chi và có trách nhiệm chi trả đúng và đủ là được, để chồng biết mức chi tiêu trong gia đình là bao nhiêu. Chứ chồng đưa tiền cho mình rồi kệ mình chi tiêu cân đối, chả biết đời sống đắt rẻ thế nào, về nhà than phiền sao vợ tiêu tiền nhanh hết thế, mắc mệt".
Câu chuyện "đổi đời" từ triệu phú thành kẻ lang thang vì quá tin vợ
Từng lọt vào top 5 cầu thủ giàu nhất Bờ Biển Ngà nhờ kiếm hàng triệu Euro khi chơi bóng tại Anh, nhưng cuối cùng ngôi sao Arsenal, Emmanuel Eboue mất hết tài sản vào tay người vợ cũ của mình.
Eboue với tất cả đống đồ đạc của mình đựng trong vài chiếc túi, chia sẻ: "Tôi không có tiền để thuê luật sư nữa".
"Tôi ở trong nhà mà lúc nào cũng nơm nớp sợ. Bởi vì tôi không biết lúc nào cảnh sát sẽ đến để tịch thu".
"Ngôi nhà của mình. Tôi vất vả để mua nó nhưng giờ tôi đang sợ hãi".
Trình độ giáo dục có hạn, Eboue chưa từng được ai chỉ hướng dẫn cách quản lý tài chính của mình. Cứ tin rằng vợ mình sẽ lo liệu mọi chuyện, anh thừa nhận quá "ngây thơ" với tiền.
"Số tiền tôi kiếm được, tôi gửi về cho vợ để chăm sóc lũ trẻ".
"Ở Thổ Nhĩ Kỳ, tôi kiếm được 8 triệu euro. Tôi gửi 7 triệu về nhà. Cô ấy cứ nói ký cái gì là tôi ký".
Giờ đây, anh qua lại giữa ngôi nhà ở Enfield sắp bị tịch thu và nhà của một người bí mật anh gọi là "chị" của mình – Yasmin Razak.
Bài học xương máu từ cựu sao Arsenal, "đổi đời" từ triệu phú thành kẻ lang thang là đừng quá tin vợ, hay nói rộng hơn là sống trên đời bạn đừng tin ai 100%, và tốt nhất là nên học cách quản lý chi tiêu càng sớm càng tốt.
Đàn ông "nộp" bao nhiêu tiền cho vợ là đủ?
Đàn ông thường đùa nhau: Cứ lĩnh lương là phải nộp hết cho vợ, rồi toàn ngửa tay đi xin tiền của mình làm ra. Tại sao họ lại chịu cảnh thế này? Có phải do họ sợ vợ?
Câu trả lời là: Không. Họ đưa tiền về thể hiện trách nhiệm với gia đình, sự tôn trọng tình yêu dành cho vợ chứ 1 người phụ nữ nhỏ bé làm sao khiến đàn ông sức dài vai rộng sợ cho được.
2 câu chuyện trên tưởng chừng như chẳng liên quan nhưng lại gợi ra rất nhiều thứ.
Một ông chồng thu nhập khá cao, đưa vợ 1 khoản đủ chi tiêu gia đình (thậm chí là thoải mái) còn lại anh ta sẽ giữ. Kết quả là gia đình lục đục, vợ chồng cãi nhau.
Một ông chồng thu nhập rất cao nhưng đưa toàn bộ cho vợ không cần hỏi han. Kết quả là mất trắng.
Vậy đàn ông nên đưa bao nhiêu là đủ và có cần đề phòng chính người vợ đầu ấp tay gối của mình không?
Sẽ không có con số nào cụ thể bởi mọi thứ phải dựa trên mức thu nhập của cả 2. Có nghĩa, vợ chồng tổng thu nhập 10 triệu hay 100 triệu thì cũng phải lên kế hoạch chi tiêu phù hợp với mức thu nhập. Điều cực kì quan trọng chính là sự tôn trọng và cân bằng. Vợ không thể đòi hỏi cầm hết lương của chồng nếu thu nhập của anh ấy cao hơn mặt bằng chung. Ngược lại, chồng cũng nên công khai 90% số tiền đó để làm gì cho vợ yên tâm. Muốn người khác tin tưởng thì phải tự tạo cho họ niềm tin trước đã.
Việc lập nhiều quỹ chung, chia đều 2 vợ chồng chịu trách nhiệm các khoản cũng được mà 1 người ít việc hơn lo toan cũng được. Miễn là chúng ta giữ cho "cán cân" ở thế thăng bằng để không ai cảm thấy mình bị thiệt. Hãy đặt mình vào vị trí của nhau để tạo ra sự cân bằng đó. Ví dụ, bạn là đàn ông, đặt mình vào vị trí của vợ bạn nghĩ gì khi chồng mình đóng góp ít ỏi còn suốt ngày cằn nhằn, kể lể, so đo. Hoặc bạn là phụ nữ, đặt mình vào vị trí của chồng, bạn nghĩ gì khi vợ mình lương 5 triệu nhưng muốn thâu tóm cả 50 triệu thu nhập của chồng?
Tóm lại, kinh tế là vấn đề rất lớn trong đời sống hôn nhân. Dùng cách nào cũng được, hãy ngồi lại chia sẻ, thảo luận với nhau để tìm ra cách hữu hiệu nhất.
Theo VV (Phụ Nữ Mới)