Lười uống nước có thể khiến bạn mắc 'cả tỷ bệnh' nguy hiểm

27/09/2023 09:10:20

Không ít người lười uống nước khi họ mải làm việc và cũng cảm thấy chưa có vấn đề gì về sức khỏe cả, song về lâu dài như thế sẽ không tốt cho sức khỏe.

Nước luôn rất cần thiết cho mọi hoạt động sống của cơ thể con người. Nếu chúng ta bỏ qua thói quen uống nước hàng ngày có thể đẩy cơ thể vào tình trạng phải đối diện với nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Điều gì sẽ xảy ra đối với cơ thể, nếu bạn không uống đủ nước?

Lão hóa da sớm

Khi cơ thể bị mất nước, nước sẽ chuyển từ các mô, từ làn da để duy trì nồng độ trong máu. Tình trạng thiếu nước làm ngăn cản quá trình tái tạo da. Chính vì vậy, da sẽ bị khô và kém đàn hồi. Đây là nguyên nhân khiến các dấu hiệu lão hóa xuất hiện sớm và làm da xuống cấp. Trong khi đó những người uống nhiều nước sẽ không thấy dấu hiệu tuổi già trên mặt. Vì vậy, hãy uống nhiều nước và cho cơ thể được ngâm nước trong nhà tắm.

Lười uống nước có thể khiến bạn mắc 'cả tỷ bệnh' nguy hiểm

Táo bón triền miên

Để chuyển động ruột hiệu quả, cần phải uống nhiều nước. Không uống đủ nước có thể gây ra tích tụ độc tố trong đường ruột và gây nhiễm độc cho cơ thể. Táo bón kéo dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm hội chứng quá tải chất độc, dị ứng và các vấn đề về tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, buồn nôn, đau bụng và ăn không ngon.

Loét dạ dày

Trong dạ dày, lớp niêm mạc chứa 98% nước và 2% bicarbonate natri, hỗ trợ cho tiêu hóa thức ăn và bảo vệ dạ dày bằng cách trung hòa acid trong dạ dày. Trong quá trình mất nước, niêm mạc dạ dày mất nước và hoạt động kém hiệu quả vì không có đủ chất lỏng. Điều này có thể dẫn đến tăng lượng acid trong dạ dày và dễ gây ra chứng ợ nóng, cuối cùng tạo điều kiện gây viêm loét dạ dày.

 

Đau đầu

Thiếu nước gây ra tình trạng nhức đầu dai dẳng. Bởi khi cơ thể mất nước sẽ khiến các mô não co lại, dẫn đến các cơn đau đầu. Ngoài ra, khi mất nước, lượng oxy lên não không đủ cũng là nguyên nhân khiến bạn đau đầu nhiều hơn.

Đau khớp

Sụn khớp được tìm thấy trong các khớp và đĩa đốt sống, giúp hạn chế sự cọ xát giữa các mặt khớp lại với nhau. Sụn khớp chứa khoảng 80% nước. Do đó, cơ thể có đủ nước sẽ đảm bảo sức khỏe cho các sụn khớp, giúp hỗ trợ đắc lực trong các hoạt động như đi lại, chạy hoặc nhảy, nhất là khi bạn làm việc ngoài trời trong môi trường nắng nóng.

Giảm khối lượng cơ

Cơ cũng có hàm lượng nước cao, vì vậy không uống đủ nước có thể làm giảm khối lượng cơ. Để giảm nguy cơ bị đau và viêm cơ khi bạn tập thể dục, luôn phải đảm bảo cơ thể được cung cấp nước uống trước, trong và sau khi hoạt động thể chất, nhất là khi thời tiết nóng. Điều này sẽ không chỉ giúp bạn cảm thấy đủ nước và không khát, mà cũng sẽ đảm bảo nước được chuyển đủ đến các bộ phận khác nhau của cơ thể.

Lười uống nước có thể khiến bạn mắc 'cả tỷ bệnh' nguy hiểm - 1

Gây mệt mỏi

Những dấu hiệu đầu tiên khi cơ thể thiếu nước như: nhức đầu, khô và dính ở lưỡi hay miệng. Khi tình trạng trên nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện các triệu chứng như: mệt mỏi, chóng mặt hay đau ngực. Nếu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân thì rất có thể bạn đã không uống đủ nước.

Mất tập trung

Não bộ được cấu tạo từ 80% là nước, do đó, khả năng và chức năng của bộ não phụ thuộc nghiêm trọng vào nước. Ngay cả mất nước nhẹ cũng làm suy yếu khả năng của não, gây khó khăn cho khả năng suy nghĩ. Một nghiên cứu trên tạp chí Nutrients cho thấy uống nước có thể ngăn ngừa mất trí nhớ và ngăn chặn suy giảm sự chú ý.

 

 

Bệnh gút (Gout)

Bệnh gút hay còn gọi là thống phong là do lượng acid uric tăng lên trong cơ thể hoặc giảm bài tiết, sau đó acid uric lắng đọng trong khớp, thận và các bộ phận khác tạo thành một căn bệnh liên quan đến trao đổi chất.

Để ngăn ngừa bệnh gút, ngoài việc chú ý đến dinh dưỡng hợp lý và chế độ ăn uống cân bằng, có một điểm rất quan trọng là uống nhiều nước, giúp cho axit uric có thể được bài tiết thông qua thận nhanh hơn.

Gây rối loạn điện giải

Nước là dung môi chính giúp hòa tan các chất trong cơ thể, giữ cho nồng độ các chất luôn ở mức cân bằng để cơ thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, việc uống ít nước khiến cơ thể bị thiếu nước có thể khiến nồng độ các chất hòa tan, đặc biệt là các chất điện giải thay đổi, sự cân bằng bị phá vỡ gây nên tình trạng rối loạn điện giải trong cơ thể. Ở mức độ nặng hơn có thể khiến cơ thể bị rối loạn điện giải cấp tính, gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Hơi thở có mùi

Nước bọt có chức năng làm sạch và diệt trừ vi khuẩn trong miệng. Nếu không uống đủ nước, cơ thể sẽ không tiết đủ nước bọt diệt khuẩn, khiến chúng nhanh chóng sinh sôi và làm hơi thở có mùi khó chịu.

Nếu vệ sinh răng miệng đúng cách mà vẫn gặp phải tình trạng này thì thói quen lười uống nước có thể là nguyên nhân. Bởi nước bọt có tác dụng chống vi khuẩn và là một chất khử trùng tự nhiên. Khi cơ thể thiếu nước, lượng nước bọt được sản xuất sẽ không đủ. Từ đó, vi khuẩn trong khoang miệng sẽ phát triển và gây ra mùi hôi khó chịu.

Lười uống nước có thể khiến bạn mắc 'cả tỷ bệnh' nguy hiểm - 2

Nam giới có thể gặp rối loạn chức năng "yêu"

Nam giới không uống đủ nước cũng giống như cây thiếu nước, sẽ bị “xìu”. Ở trạng thái mất nước, cơ thể sản xuất một lượng angiotensin lớn hơn, một loại hoóc môn thường thấy ở những người đàn ông gặp khó khăn trong việc đạt được sự cương cứng ổn định, theo Eat this, not that.

 

Có thể bị ngất

Khi bạn cảm thấy choáng váng và mất phương hướng do mất nước thì cơ thể sẽ có xu hướng càng gần mặt đất càng tốt – đó là hiện tượng của ngất xỉu.

Mất nước rất nguy hiểm, cơ thể sẽ không đủ máu giàu oxy để đưa lên nuôi não bộ, từ đó dẫn đến ý thức bị mất và gây choáng váng, chóng mặt, mất phương hướng.

Tử vong

Mất nước không chỉ làm bạn ngất xỉu mà có thể giết chết bạn vì cơ thể khô hạn và vì những lý do bên trên. Hãy giữ cho cơ thể đủ nước, uống đủ nước để khỏe mạnh và vui vẻ.

Để tránh tất cả các triệu chứng khó chịu trong danh sách trên, bạn cần uống đủ nước mỗi ngày. Lượng nước cần thiết mỗi người mỗi khác nhưng điều tối thiểu bạn cần biết là luôn phải uống nước ngay khi cảm thấy khát. Và uống nước trước, trong và sau khi tập luyện thể dục.

PN (SHTT)

Nổi bật