Từ lâu, mướp đã được mệnh danh là "nhân sâm trong vườn" hay "nhân sâm của người nghèo" vì dù chúng được trồng phổ biến nhưng công dụng đem lại cho sức khỏe lại vô cùng đa dạng.
Nghiên cứu khoa học cho thấy, trong 1 trái mướp nhỏ (khoảng 100g) có chứa 95gr nước, 0,9gr protit, 0,1gr lipit, 3gr glucit, 0,5gr xeluloza, 28mg sắt, 160mcg betacaroen và rất nhiều vitamin B, C… Đem lại công dụng ngừa bệnh tiểu đường, bổ máu, trị đau lưng, chống nếp nhăn, làm đẹp hiệu quả.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), trong Y học cổ truyền, mướp có vị ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ thấp, lợi tiểu, tiêu đờm, mát máu, thông kinh mạch, tăng tiết sữa, khỏi lở sưng đau nhức, bổ khí, an thai.
Mướp chính là một nguyên liệu thuốc chữa bệnh rất tốt. Ngoài bộ phận quả mướp thì xơ mướp hay lá mướp, hạt mướp, rễ mướp, tua cuốn của mướp cũng có tác dụng trong việc chữa bệnh.
Những bài thuốc trị bệnh từ quả mướp
1. Kinh nguyệt không thông, không đều, phụ nữ tắc tia sữa: Dùng 1 quả mướp khô cả hạt, đốt tồn tính sau đó đem tán bột. Dùng uống 8g/lần với rượu.
2. Chữa phụ nữ sau sinh ít sữa: Chuẩn bị 1 quả mướp tươi, 3 cái móng giò. Đem sơ chế sạch rồi nấu canh ăn kèm cơm.
3. Tăng huyết áp: Mướp tươi 300g, táo ta 200g, chanh 50g, đường phèn lượng vừa đủ. Mướp và táo gọt vỏ, rửa sạch, thái vụn, ép lấy nước, hòa với nước chanh và đường phèn, dùng làm nước giải khát trong ngày. Mỗi liệu trình 10 ngày.
4. Chữa đau lưng lâu không khỏi, viêm mũi, viêm xoang: Lấy 40-120g rễ mướp hương đi sắc cùng với nước sạch. Uống trong ngày.
5. Nổi mề đay: Lá mướp tươi 1 nắm, nghiền nát thành nước, thêm vào một chút băng phiến vào rồi bôi lên vết lở, nổi.
6. Mồ hôi chân: Lấy mướp già đốt thành tro, tản rắc ở trong giày, chân trần không tất đi vào giày liên tục 15 ngày.
7. Trị đại tiện ra máu do trĩ: Hoa mướp 30g, nấu nước uống, mỗi ngày 1 lần. Hoặc mướp tươi 250g cắt khúc, thịt lợn nạc 200g cắt miếng, thêm lượng nước thích hợp nấu canh ăn.
8. Viêm xoang: Lấy quả mướp đem phơi khô, bỏ vào nồi rang cho mướp teo lại và đem nghiền thành bột mịn. Mỗi lần người bị viêm xoang nên uống 6g, 1 lần/ngày vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy, bụng chưa ăn gì. Kiên trì thực hiện trong 8 ngày.
9. Đau nhức thần kinh: Lấy nước mướp hâm nóng xong uống, lượng dùng tùy triệu chứng nặng nhẹ để định đoạt, mỗi ngày khoảng 100ml hoặc dùng lá mướp xay nhuyễn thành nước bôi lên chỗ đau cũng có hiệu nghiệm.
10. Đau nửa đầu: Dùng 15 - 30g rễ mướp sắc uống mỗi ngày. Tác dụng của quả mướp sẽ giúp thông lạc, chữa viêm mũi, viêm xoang, ho và đau lưng.
Mướp có khá nhiều công dụng, nhất là những bộ phận trái mướp đều có tính mát, giúp thanh nhiệt, giải trừ độc nên sử dụng quả mướp nhiều cũng không ảnh hưởng đối với sức khỏe. Cần ghi nhớ rằng, trong điều trị và hỗ trợ điều trị một số bệnh, nên tuân thủ đúng về liều lượng ghi trong các bài thuốc đã được đưa ra, không được nhiều quá hoặc ít quá.
Tùy vào từng đối tượng, cơ địa khác nhau mà công dụng của trái mướp cũng có sự khác nhau, do vậy sử dụng mướp như thế nào, tác dụng tới đâu không giống nhau đối với mỗi người.
Những người không nên ăn mướp
Người thể hàn, hoặc người có tì vị kém
Mướp thuộc loại tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt nên không phù hợp với thể trạng những người thể hàn, hoặc những người có tì vị kém. Nếu như ăn mướp thường xuyên sẽ dần làm cho sức khỏe của các trường hợp này ngày càng yếu đi, lâu ngày có thể trở nặng. Chính vì thế, nếu bị thể hàn, hoặc tì vị kém, nên hạn chế ăn mướp hoặc tránh ăn mướp để sức khỏe không bị ảnh hưởng.
Người có thể trạng yếu, hoặc mới ốm dậy
Mặc dù mướp có giá trị dinh dưỡng, và có cả tác dụng chữa bệnh, nhưng với những người có cơ địa đặc biệt như bị dị ứng, thể trạng yếu, đang ốm hoặc mới khỏi ốm thì cần tránh ăn mướp, nếu không sẽ làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn hoặc gây khó chịu cho cơ thể. Nguyên do là theo Đông y, mướp có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thông kinh lạc, hoạt huyết, nên không tốt cho thể trạng yếu của các trường hợp vừa nêu.
Người bị tiêu chảy, kiết lỵ cần tránh ăn mướp
Cũng do tính hàn của mướp nên đây cũng là loại thực phẩm không tốt cho người đang bị tiêu chảy hoặc kiết lỵ. Việc ăn mướp sẽ làm cho tình trạng của họ trầm trọng hơn.
Mướp đại kỵ kết hợp với loại thực phẩm nào?
Có 2 loại thực phẩm mà mướp kỵ, đó là củ cải trắng và cải bó xôi. Cả mướp và củ cải trắng, cải bó xôi đều có tính lạnh, có thể khiến cơ thể bị lạnh hơn, gây ra khó chịu, tiêu chảy nặng.
PN (SHTT)