Lò vi sóng có gây ung thư?

04/12/2023 10:27:43

Nhiều người cho rằng lò vi sóng dễ gây ung thư và sản sinh ra một lượng lớn chất độc hại, gây hại cho cơ thể.

Lò vi sóng là thiết bị ngày càng được ưa chuộng do tính tiện lợi, đa năng và nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng vì được sử dụng phổ biến nên người ta cũng có nhiều đồn đoán, nghi ngờ khác nhau liên quan đến sự ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng của lò vi sóng. Vậy đâu là sự thật? Dưới đây là những giải đáp cho bạn.

Lò vi sóng có gây ung thư hay không?

Báo VnExpress dẫn lời bác sĩ Tạ Tùng Duy - Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, vi sóng là một loại bức xạ tần số thấp được phân loại là không ion hóa. Các dạng khác của bức xạ không ion hóa bao gồm sóng radio và sóng ánh sáng hồng ngoại. Bức xạ không ion hóa không liên quan đến ung thư.

Loại bức xạ liên quan đến ung thư được gọi là bức xạ ion hóa. Các loại sóng này bao gồm bức xạ tần số cao hơn như tia cực tím (UV), tia X, bức xạ gamma. Bức xạ ion hóa làm bật electron ra khỏi nguyên tử trong phân tử - yếu tố làm tổn thương DNA trong tế bào, khiến một số tế bào trở thành ung thư.

Còn bức xạ không ion hóa từ lò vi sóng để lại các nguyên tử nguyên vẹn, do đó, lò vi sóng không thể làm cho thực phẩm trở nên phóng xạ hoặc thay đổi DNA.

Lò vi sóng có gây ung thư?

Thực phẩm được hâm nóng trong lò vi sóng tạo ra chất gây ung thư?

Đây chỉ là một sự đồn đoán. Trong lò vi sóng có một bộ phận được gọi là ống phát vi sóng (sóng vi ba). Sóng này phản xạ bên trong lớp kim loại của lò vi sóng khiến các phân tử nước trong thực phẩm bị rung, tạo ra nhiệt để đun nóng thức ăn. Đó là lý do tạo sao thực phẩm chứa nhiều nước, chẳng hạn như rau quả tươi được nấu nhanh hơn so với các thực phẩm khác.

Nói một cách đơn giản, năng lượng vi sóng được thực phẩm hấp thụ và chuyển hóa thành nhiệt năng mà không làm cho thực phẩm bị nhiễm phóng xạ hoặc ô nhiễm bức xạ, không gây ảnh hưởng sức khỏe hay ung thư.

Hơn nữa, nấu thức ăn bằng lò vi sóng tiết kiệm năng lượng hơn so với việc nấu thức ăn truyền thống bằng gas hay bếp từ, bếp điện do nó nấu thức ăn nhanh hơn, nhiệt tập trung vào làm nóng thức ăn mà không cần làm nóng các thiết bị chứa thực phẩm.

Ngoài ra, thực phẩm nấu trong lò vi sóng có thể giữ lại được nhiều vitamin và khoáng chất hơn vì nó nấu chín thực phẩm nhanh mà không cần nước, vitamin và chất dinh dưỡng không bốc hơi theo hơi nước.

Lò vi sóng có gây ung thư? - 1

Thức ăn đun nấu từ lò vi sóng là vô hại?

Chuyên gia Vũ Thế Thành chia sẻ trên Trí Thức Trẻ, người ta còn gán cho lò vi sóng nhiều tác hại quái ác lắm, nào là đau nhức, trầm cảm, giảm trí nhớ, suy thoái thị lực, cáu gắt, hệ miễn nhiễm yếu, gây rối loạn hệ tiêu hóa, khủng hoảng hệ thần kinh v.v… Đó chỉ là những nhận định cảm tính, chứ khoa học chưa bao giờ thừa nhận những tác hại ấy cả.

Các cơ quan an toàn thực phẩm trên thế giới như FDA (Mỹ), EFSA (châu Âu), WHO... khi nói về lò vi sóng, hầu như không bao giờ đề cập tới ung thư hay trầm cảm, giảm trí nhớ… Đối với họ, đó là những chuyện nhảm nhí, không có chứng cớ khoa học.

Đề cập đến, nếu có, là cách sử dụng lò vi sóng sao cho an toàn. Chẳng hạn, vì nhiệt được tạo ngay từ trong lòng thực phẩm, nên nước có thể bắn ra khi đưa đồ ăn đựng trong tô đậy kín ra khỏi lò, hoặc sử dụng plastic loại nào để đựng thực phẩm khi đun nấu với lò vi sóng, vì plasctic có thể thôi ra chất độc.

Cả tỉ người đang dùng lò vi sóng trong các bữa ăn hàng ngày. Ở Việt Nam, hầu như gia đình nào cũng có lò vi sóng, các bếp ăn, nhà hàng cũng thế.

Rủi ro từ lò vi sóng chủ yếu là do cách sử dụng chưa đúng, chứ không phải vi sóng làm thực phẩm bị biến đổi đến mức ung thư…

Lò vi sóng có gây ung thư? - 2

Mẹo an toàn khi dùng lò vi sóng

- Đầu tiên, bạn nên chọn mua một lò vi sóng an toàn và đủ điều kiện sử dụng và đã được chứng nhận.

- Thực hiện theo hướng dẫn và làm theo các quy trình vận hành được đề nghị và biện pháp phòng ngừa an toàn trong sách hướng dẫn.

- Sử dụng dụng cụ nấu nướng chuyên biệt sử dụng cho lò vi sóng.

- Nếu cửa lò không được đóng kín, bị cong vênh hoặc hư hỏng, hãy ngừng sử dụng nó.

- Không đứng trước lò vi sóng khi lò đang chạy trong một thời gian dài.

- Không đun nóng nước hoặc chất lỏng lâu hơn thời gian được đề nghị trong sách hướng dẫn.

- Làm sạch khoang nấu, cạnh ngoài và cửa lò vi sóng bằng nước thường và chất tẩy trung tính. Không sử dụng miếng cọ rửa, bùi nhùi kim loại hoặc các chất mài mòn khác.

PN (SHTT)