Lo lắng ăn rượu nếp dịp Tết Đoan Ngọ làm hơi thở có cồn, dân tình thấp thỏm kháo nhau đợi đến tối mới dám 'giết sâu bọ'

10/06/2024 13:42:49

Không ít người lo lắng về việc ăn rượu nếp sẽ có thể dẫn đến việc bị xử phạt về an toàn giao thông.

Cơm rượu nếp là một món ăn truyền thống của người Việt Nam trong ngày Tết Đoan Ngọ. Tuy nhiên, do đây là một thực phẩm lên men tự nhiên nên sẽ chứa một lượng cồn nhất định.

Chính vì vậy, nhiều người không khỏi băng khoăn cũng như lo lắng về việc sau khi ăn cơm rượu nếp có thể sẽ bị xử phạt liên quan tới nồng độ cồn theo quy định của pháp luật. Nhiều fanpage cũng đã nêu ra "cảnh báo" về việc này.

Lo lắng ăn rượu nếp dịp Tết Đoan Ngọ làm hơi thở có cồn, dân tình thấp thỏm kháo nhau đợi đến tối mới dám 'giết sâu bọ'Lo lắng ăn rượu nếp dịp Tết Đoan Ngọ làm hơi thở có cồn, dân tình thấp thỏm kháo nhau đợi đến tối mới dám 'giết sâu bọ' - 1Lo lắng ăn rượu nếp dịp Tết Đoan Ngọ làm hơi thở có cồn, dân tình thấp thỏm kháo nhau đợi đến tối mới dám 'giết sâu bọ' - 2

Nhiều người cho rằng, để vừa có thể thưởng thức hương vị Tết Đoan Ngọ cổ truyền, vừa đảm bảo không vi phạm luật an toàn giao thông tốt nhất nên ăn vào những thời điểm thích hợp, khi không phải lập tức ra đường hoặc khi đã về nhà vào buổi tối...

"Mình không dám ăn vì lát phải đi, để tối về ăn sau."

"Nếu ai trót ăn rồi thì gọi xe công nghệ để đi thôi cho an toàn."

"Mình nghĩ nếu ăn lượng nhỏ vừa phải, vẫn tỉnh táo thì không sao. Dù gì cũng là ngày Tết cổ truyền, không lợi dụng việc này để làm cớ uống rượu bia, giải thích cho các đồng chỉ cảnh sát giao thông là được mà."

Trao đổi với Báo Phụ nữ TP.HCM, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - cơ quan soạn thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia cho biết, thực tế thì hàm lượng cồn từ các loại thực phẩm trên rất thấp, tuỳ thuộc vào lượng sử dụng, thời điểm đo độ cồn và cũng suy giảm, đào thải rất nhanh.

Việc dừng xe kiểm tra độ cồn chỉ xảy ra khi bạn có dấu hiệu vi phạm như mặt đỏ gay, đi loạng choạng, phóng nhanh, vượt ẩu; hoặc khi có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được phê duyệt, hay khi bạn phạm một lỗi khác mà cảnh sát nghi ngờ bạn có uống rượu bia.

Cũng về vấn đề này, Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố Hà Nội cho biết, tất cả cán bộ, chiến sĩ thực hiện kiểm tra theo chuyên đề về đo nồng độ cồn đều được tập huấn, quán triệt kỹ càng quy trình xử lý theo các bước nhất định.

Lo lắng ăn rượu nếp dịp Tết Đoan Ngọ làm hơi thở có cồn, dân tình thấp thỏm kháo nhau đợi đến tối mới dám 'giết sâu bọ' - 3

Theo đó, người điều khiển phương tiện được dẫn vào khu vực kiểm tra, nghe hướng dẫn cụ thể về cách thổi vào thiết bị chuyên dụng đo nồng độ cồn. Kết quả ngay sau đó cũng sẽ được in ra một bản giấy. Người điều khiển phương tiện nếu thừa nhận vi phạm, sẽ ký vào giấy báo kết quả đo và biên bản vi phạm hành chính sẽ được lập ngay sau đó.

"Nếu phát sinh các trường hợp kết quả đo khí thở có nồng độ cồn nhưng người vi phạm không thừa nhận việc mình đã sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích, mà giải thích rằng mình vừa ăn hoa quả, rượu nếp hay sinh tố... thì sẽ được lực lượng chức năng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để lấy máu kiểm tra. Việc ăn hoa quả hay rượu nếp chắc chắn sẽ không đủ để lên nồng độ cồn khi kiểm tra máu. Bộ Công an và Bộ Y tế đã ký thông tư phối hợp, quy định trong những trường hợp cần thiết, lực lượng CSGT sẵn sàng mời người vi phạm đến cơ sở y tế để lấy máu, tiến hành đo nồng độ cồn, tìm ra nguyên nhân chính xác tuyệt đối", Trung tá Vũ Văn Hoài thông tin.

Tuy nhiên, Trung tá Vũ Văn Hoài cũng cho biết, thông thường, đó chỉ là những lý do "ngụy biện" cho việc sử dụng bia, rượu, bởi với thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dụng, được cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm định, bảo đảm các thông số kỹ thuật an toàn thì sẽ không có tình huống xử phạt "oan".

Theo PV (Nguoiduatin.vn)

 

Nổi bật