Chính những nang kén này đè ép nhu mô não khiến người bệnh yếu, liệt nửa người. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật lấy u (nang sán), giải phóng nang chèn ép não, gửi mô bệnh học và làm giải phẫu bệnh. Kết quả, bệnh nhân bị đa nang kén sán não. Người bệnh được điều trị hậu phẫu và dùng thuốc diệt ấu trùng sán.
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết kén sán não là bệnh lý thuộc nhóm nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, có mức độ nguy hiểm rất cao.
Dù bệnh nhân có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nhưng sán não (u não do ấu trùng sán dây) lại khó phát hiện do phát triển âm thầm, khi bộc lộ triệu chứng rõ rệt, bệnh thường ở giai đoạn khá muộn.
Nguyên nhân mắc bệnh là ăn phải ấu trùng sán dây lợn hoặc bò. Khi người ăn phải thịt lợn, thịt bò nhiễm ấu trùng sán (lợn gạo, bò gạo) mà chưa được nấu chín như thịt tái, nem chạo, thịt nướng chưa chín kỹ; hoặc ăn phải thức ăn (rau sống, tiết canh lợn, thực phẩm nhiễm bẩn…), nước uống, tay bẩn có nhiễm trứng hoặc ấu trùng sán lợn.
Trứng sán vào người rồi phát triển thành ấu trùng sán, chui qua thành ruột vào máu để đến cơ và não, có khi vào mắt. Nếu ấu trùng lên tá túc ở não gây bệnh ấu trùng sán não.
Để phòng tránh bệnh người dân cần giảm thiểu các yếu tố nguy cơ như giữ môi trường sống sạch sẽ, ăn uống hợp vệ sinh. Không ăn thức ăn chưa nấu chín như gỏi, tiết canh, thịt lợn gạo, rau sống, nhất là các loại rau sống trồng dưới nước như rau ngổ… Luôn rửa tay sạch với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; tẩy giun sán định kỳ.
Khi thấy có các biểu hiện như đau nhức đầu liên tục, chóng mặt, mất ngủ, xuất hiện nang nhỏ nằm dưới da, sờ vào thì di động…, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế ngay.
Theo Võ Thu (VietNamNet)