Kính chống ánh sáng xanh có THẬT SỰ có tác dụng bảo vệ mắt như đồn thổi?

13/11/2023 09:36:43

Không ít người đã sẵn sàng chi trả số tiền đắt đỏ để mua loại mắt kính chống ánh sáng xanh khi nghe những lời giới thiệu “có cánh” như giúp chống mỏi mắt, khô mắt, thậm chí giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng. Sự thật có đúng như vậy?

Khi thời đại công nghệ ngày càng phát triển thì bên cạnh chúng ta không thể nào thiếu những chiếc máy tính, điện thoại bởi đó là công cụ để ta làm việc, giao tiếp và giải trí. Để hạn chế tác hại của mắt, nhiều người sẵn sàng trả số tiền đắt đỏ để mua những mắt kính chống ánh sáng xanh. Sản phẩm này được quảng cáo rằng có tác dụng chống mỏi mắt, khô mắt, thậm chí giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng.

Tuy nhiên, liệu tác dụng của nó có thật sự hiệu quả như lời quảng cáo? Câu trả lời của các tổ chức, chuyên gia Nhãn khoa sẽ khiến bạn phải bất ngờ.

TS. BS David J. Ramsey, Giám đốc Nghiên cứu nhãn khoa tại Trung tâm Y tế & Bệnh viện Lahey, cho biết câu hỏi mà các bác sĩ nhãn khoa thường xuyên nhận được là ánh sáng xanh có hại cho mắt không?

"Câu trả lời ngắn gọn là không. Lượng ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính bảng, TV và máy tính xách tay, không gây hại cho võng mạc hoặc bất kỳ bộ phận nào khác của mắt", BS Ramsey giải thích trên Harvard Health Publishing.

Kính chống ánh sáng xanh có THẬT SỰ có tác dụng bảo vệ mắt như đồn thổi?
Ảnh minh họa: Internet

Ánh sáng xanh là ánh sáng nhìn thấy được với bước sóng 400-450 nanomet (nm). Ánh sáng xanh có thể xuất hiện ngay cả khi chúng ta nhìn thấy màu trắng hoặc màu khác. Loại ánh sáng này gây lo ngại vì nó có nhiều năng lượng trên mỗi photon ánh sáng hơn các màu khác trong quang phổ khả kiến, cụ thể là ánh sáng xanh lục hoặc ánh sáng đỏ.

Thực tế, nguồn ánh sáng xanh mạnh nhất xung quanh chúng ta là ánh sáng Mặt Trời. “Thiết bị điện tử tiêu dùng không gây hại cho võng mạc do lượng ánh sáng phát ra không nhiều. Điện thoại có độ sáng tối đa khoảng 600 candela/m2. Các biển hiệu có thể sáng gấp đôi, nhưng ngay cả như vậy cũng chỉ bằng 1/10 so với ánh sáng Mặt Trời mà chúng ta thấy hàng ngày", theo BS Ramsey.

"Nhìn chung, so với nguy cơ suy giảm thị lực do lão hóa, hút thuốc, bệnh tim mạch, huyết áp cao và thừa cân, nguy cơ do tiếp xúc với ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử tiêu dùng là không đáng kể", BS Ramsey đánh giá.

Theo báo cáo của Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ vào năm 2017: Không có bằng chứng nào cho thấy ánh sáng phát ra từ màn hình máy tính có thể gây hại cho mắt. Dù một số loại ánh sáng có thể gây hại cho mắt (ví dụ tia cực tím) nhưng lượng bức xạ đến từ máy tính chưa bao giờ được chứng minh là có thể gây ra bất kỳ bệnh nào về mắt.

Bác sĩ Lưu Hồng Ngọc, công tác tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Hà Nội cho biết: "Trước đây, công nghệ chưa phát triển nên màn hình máy tính, điện thoại sẽ liên tục nhấp nháy khiến mắt nhanh mỏi. Tuy nhiên hiện nay, do công nghệ đã cải thiện, hiện tượng màn hình nhấp nháy như ngày xưa không còn thấy nhiều nữa, thậm chí có không ít thiết bị được nhà sản xuất quảng cáo rằng có thể giảm thiểu ánh sáng xanh.

Không những vậy, người dùng có thể chủ động thay đổi phông nền màn hình (từ trắng sang đen), tùy chỉnh độ sáng, cỡ chữ... vì vậy những tác động từ thiết bị đến mắt phần nào đã được giảm tải".

Hơn nữa, ánh sáng khi đưa vào mắt sẽ bị cản bớt bởi thủy tinh thể. Khi đi vào còn phải đối mặt với tế bào noãn và tế bào que... nên tác động của ánh sáng màn hình máy tính, điện thoại với mắt thường không nhiều.

Kính chống ánh sáng xanh có thật sự cần thiết hay không?

Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ không khuyến nghị đeo bất kỳ loại mắt kính đặc biệt nào khi sử dụng máy tính. Hiện vẫn chưa hề có khuyến cáo nào hay nghiên cứu nào chứng minh kính chống ánh sáng xanh có thể bảo vệ mắt.

Tổ chức này nhận định: Việc nhìn chằm chằm vào màn hình và giảm chớp mắt khi sử dụng máy tính, điện thoại trong nhiều giờ có thể khiến chúng ta mỏi mắt và khô mắt. Tuy nhiên, tác động này hoàn toàn là do cách bạn sử dụng các thiết bị, không phải do bất cứ thứ gì đến từ màn hình.

Cũng theo BS Ngọc: "Kính chống ánh sáng xanh có giá cao hơn rất nhiều so với mắt kính thông thường nhưng nó không đem lại tác dụng bảo vệ mắt. Loại kính này chỉ mang tính chất làm người dùng yên tâm hơn mà thôi".

Theo BS Ngọc, để đánh giá một loại kính tốt, điều các bác sĩ quan tâm không phải là mắt kính chống sáng xanh hay không mà là ở hệ số chiết quang. Hệ số chiết quang càng tốt thì mắt kính càng mỏng hơn, cho hình ảnh sắc nét hơn, đồng thời tránh được rối loạn khúc xạ.

Kính chống ánh sáng xanh có THẬT SỰ có tác dụng bảo vệ mắt như đồn thổi? - 1
Ảnh minh họa: Internet

Làm gì để bảo vệ mắt khi dùng máy tính, điện thoại?

Để có thể bảo vệ mắt khi thường xuyên sử dụng máy tính, điện thoại thì việc điều chỉnh lối sống là quan trọng nhất. Hãy ghi nhớ những khuyến cáo do Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ đưa ra:

- Ngồi cách màn hình máy tính khoảng 25 inch (~ 64cm). Cố định màn hình sao cho bạn hơi nhìn xuống.

- Giảm độ chói của màn hình bằng cách sử dụng bộ lọc màn hình mờ nếu cần.

- Hãy thường xuyên nghỉ giải lao theo quy tắc “20-20-20”: Cứ sau 20 phút, hãy chuyển mắt sang một vật cách xa ít nhất 20 feet (~ 6m) trong ít nhất 20 giây.

- Khi mắt bạn bị khô, hãy sử dụng nước mắt nhân tạo để làm dịu chúng.

- Điều chỉnh ánh sáng phòng và thử tăng độ tương phản trên màn hình để giảm mỏi mắt.

- Nếu bạn đeo kính áp tròng, hãy cho mắt bạn nghỉ ngơi bằng cách đeo kính gọng

- Nhiều triệu chứng về mắt do sử dụng máy tính chỉ là tạm thời và sẽ giảm bớt sau khi bạn ngừng sử dụng máy tính.

PN (SHTT)