Tối 29/5, thông tin trẻ mầm non bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường mầm non suốt một ngày dài gây rúng động. Nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ về sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của những người trong quy trình đưa đón trẻ như: tài xế, cô giáo phụ trách đưa đón trẻ, giáo viên chủ nhiệm và quản lý nhà trường.
Trong đó, với trách nhiệm của cô phụ trách đưa đón trẻ sau khi xe đến trường, tài xế mở cửa, cô phải điểm danh để bàn giao cho lớp. Hay tài xế trước khi tắt máy cũng cần kiểm tra xe một lượt đảm bảo không có trẻ ngủ quên.
Nhiều người có kinh nghiệm cho rằng, trẻ mầm non, học sinh tiểu học khi ngồi trên ghế xe thường thấp hơn lưng ghế nên quan sát từ đầu xe bị khuất. Do đó, giáo viên phụ trách xe thường ngồi hàng ghế cuối xe để khi trả học sinh phải đi một lượt từ dưới lên trên nhằm kiểm tra các dãy ghế.
Với giáo viên chủ nhiệm, đầu giờ sáng thường có việc điểm danh học sinh. Nếu trẻ vắng được bố mẹ xin phép, cô đã nắm được không sao nhưng đối với trẻ vắng không có lí do, cần phải liên hệ với phụ huynh để biết tình hình. Tuy nhiên, trong sự việc đau lòng ở Thái Bình, đã có sự lơ là, lỏng lẻo của các cá nhân trong chuỗi quy trình đưa đón để lại hậu quả nghiêm trọng, đó là sự ra đi của một đứa trẻ vô tội.
Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc trẻ bị bỏ quên trên xe đưa đón. Năm 2019, một trẻ lớp 1, Trường Gateway (Hà Nội) cũng bị xe đưa đón của trường bỏ quên cả ngày dài và khi phát hiện, trẻ cũng đã tử vong. Cũng trong năm đó, một trẻ mầm non 3 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón suốt 9 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, khi phát hiện em này may mắn được cứu sống nhờ xe đỗ dưới bóng cây và lái xe trước đó đã hạ kính ít cm.
Năm 2020, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cũng bỏ quên một học sinh lớp 3 trên xe gần một giờ đồng hồ do em này ngủ quên và giáo viên phụ trách xe chủ quan không kiểm tra. Sau khi tỉnh dậy, học sinh may mắn tự mở được cửa xe để vào lớp.
Ngay năm 2023, cũng tại Hà Nội, Trường tiểu học Archimedes, quận Cầu Giấy cũng bỏ quên học sinh trên xe sau chuyến dã ngoại vì ngủ quên và giáo viên bỏ qua khâu điểm danh. Chỉ khi, trẻ tỉnh dậy, may mắn có điện thoại nên đã liên lạc với mẹ cầu cứu.
Sai một li đi một dặm
Ông Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie Hà Nội nói rằng, đối với hoạt động đưa đón học sinh chỉ cần sơ sót một giây có thể để lại hậu quả khôn lường. Ngoài thực hiện nghiêm quy trình, có trách nhiệm với công việc, các nhà trường tổ chức hoạt động xe đưa đón cần có cả thiết bị công nghệ hỗ trợ.
Thiết bị mà trường Marie Curie áp dụng nhiều năm nay khá đơn giản đó là lắp “chuông an toàn”.
Công tắc chuông được lắp ở cuối xe. Cơ chế của "chuông an toàn" là, khi đưa học sinh đến trường (buổi sáng) hoặc trả học sinh về nhà (cuối chiều), lái xe trước khi tắt máy ô tô phải xuống cuối xe tắt "chuông an toàn".
Việc này giúp lái xe có cơ hội quan sát toàn bộ các ghế để phát hiện nếu có bé ngủ quên. Nếu lái xe không xuống tắt "chuông an toàn" thì khi tắt máy ô tô chuông sẽ kêu ầm ĩ suốt ngày.
“Nhà trường áp dụng giải pháp này từ năm 2019. “Mỗi xe lắp chuông chỉ mất không đến 1 triệu đồng. Như vậy, cách làm rất dễ lại rẻ tiền, thuận tiện và dễ hiểu nhưng tránh được thảm hoạ đau lòng có thể xảy ra. Nhà trường có xe đưa đón nên áp dụng cách thức này sẽ hạn chế tối đa các tình huống có thể bỏ quên trẻ”, ông Khang nói.
Cũng theo ông Khang, cách làm trên được học từ hệ thống xe buýt đưa đón học sinh ở các nước như: Mỹ, Canada… Việc quên học sinh trên xe buýt không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia nào bởi học sinh thường thức dậy đi học sớm, buồn ngủ và ngủ quên.
Ngoài việc dùng “chuông an toàn”, mỗi năm học nhà trường có khoảng 2 đợt tập cho học sinh kỹ năng thoát hiểm đề phòng trường hợp bị bỏ quên trên xe đưa đón thì phải xử lý thế nào.
Các em học sinh được lái xe và giáo viên dạy 4 kỹ năng thoát nạn gồm: tự mở cửa xe từ phía trong, gọi điện thoại, bóp còi xe, phá cửa kính.
4 quy tắc thoát nạn nhà trường dạy trẻ:
- Dạy học sinh cách có thể tự mở cửa xe từ phía trong.
- Bấm còi và bật đèn xe thu hút sự chú ý của những người xung quanh ngay cả khi xe tắt máy.
- Gọi điện thoại cho cô giáo hoặc bố mẹ (trường hợp học sinh có điện thoại.)
- Hướng dẫn trẻ cách dùng búa để phá cửa kính từ bên trong xe. Đương nhiên, muốn làm như vậy, xe đưa đón học sinh trước đó phải được kiểm tra các điều kiện, trong đó có búa để ở vị trí quy định, dễ thấy.
Theo Hà Linh (Tiền Phong)