Hà Nội ô nhiễm không khí tệ thứ 2 thế giới: Gây hại sức khỏe thế nào?

29/11/2023 15:38:54

Nhiều trạm quan trắc cho kết quả đo chất lượng không khí Hà Nội ở mức rất xấu. Ứng dụng IQAir sáng nay 29-11 xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ 2 thế giới.

Đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất ở Hà Nội đã diễn ra hơn một tuần qua với xu thế ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.

Sáng nay (29/11), Hà Nội tiếp tục bao phủ bởi bụi mịn. Theo Tiền Phong, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí PAM Air ghi nhận chất lượng không khí Hà Nội phổ biến ở ngưỡng rất xấu với chỉ số AQI phổ biến từ 200-300, rất có hại cho sức khỏe tất cả mọi người.

Đáng lưu ý, so với hôm qua, số lượng các điểm đo có chất lượng không khí ở mức nguy hại (mức nguy hiểm nhất do ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tất cả mọi người) tăng đột biến.

Điểm đo tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Cầu Giấy), hai điểm đo tại Tây Hồ và điểm đo ở Trâu Quỳ (Gia Lâm) đều ghi nhận chỉ số AQI ở mức nguy hại.

Hệ thống quan trắc của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường và Đại sứ quán Mỹ cũng ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở ngưỡng rất xấu và nguy hại tại Hà Nội.

Ứng dụng AirVisual ghi nhận chỉ số chất lượng không khí Hà Nội lúc 9h sáng nay (29/11) là 239 – ngưỡng tím, rất có hại cho sức khỏe mọi người, là thành phố ô nhiễm thứ 2 thế giới trong sáng nay, chỉ sau thành phố Lahore của Pakistan.

Hà Nội ô nhiễm không khí tệ thứ 2 thế giới: Gây hại sức khỏe thế nào?
Xếp hạng 10 thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu theo dữ liệu từ IQAir - Ảnh: IQAir

Cùng với Hà Nội, sáng nay, ô nhiễm không khí tiếp tục bao trùm các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là Bắc Ninh, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Phú Thọ với mức độ ô nhiễm từ xấu đến rất xấu.

Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ dự báo, ngày mai (30/11), ô nhiễm không khí vẫn còn tiếp tục ở Hà Nội. Từ 1/12, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, chất lượng không khí có thể cải thiện.

Không khí ô nhiễm gây hại sức khỏe thế nào?

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM 2.5 – loại bụi được coi là tử thần trong không khí vì kích thước siêu nhỏ, có khả năng lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào tận các phế nang trong phổi cũng như đi trực tiếp vào máu.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, bụi PM2,5 tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi.

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính (Bệnh viện Phổi Trung ương) chia sẻ trên Phụ nữ & Pháp luật, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung của mọi người. Trong đó, 4 nhóm người có nguy cơ ảnh hưởng lớn nhất đó là trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai và người có bệnh lý mãn tính.

Bác sĩ Thành cho biết, ô nhiễm không khí mà có chỉ số bụi mịn PM2.5 cao thì mức độ nguy hiểm tới sức khỏe sẽ cao hơn nhiều, nó ảnh hưởng không chỉ đường hô hấp trên, mà còn tác động sâu vào phế quản, phế nang và các bộ phận khác. Nếu sống trong môi trường có không khí bị ô nhiễm lâu dài, các chất độc hại có từ bụi trong không khí sau thời gian tích tụ sẽ gây ra các bệnh mạn mãn tính về đường hô hấp như viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, thậm chí còn là yếu tố gây nên ung thư...

Ghi nhận trên Tiền Phong, theo Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật toàn cầu năm 2019 (IMHE, 2019), ô nhiễm không khí đứng thứ 5 trong các yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở Việt Nam, đứng sau các nguyên nhân như cao huyết áp, đường huyết, hút thuốc và chế độ ăn uống.

Một nghiên cứu do quỹ Mirinda and Bill Gate tài trợ cho thấy, tỷ lệ tử vong ở Việt Nam năm 2018 do ô nhiễm môi trường là 71.000 người, trong đó 50.000 chết do ô nhiễm không khí.

Các nghiên cứu trong nước cũng chỉ ra, trong các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội và TPHCM, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do hô hấp, tim mạch tăng mạnh.

Hà Nội ô nhiễm không khí tệ thứ 2 thế giới: Gây hại sức khỏe thế nào? - 1
Cầu Nhật Tân lúc 6h30 sáng 29-11. Ảnh Tuổi Trẻ

Tương tự, VnExpress đưa tin năm 2022, một nghiên cứu từ Đại học Chicago, Mỹ, cho thấy ô nhiễm không khí có thể làm giảm tuổi thọ trung bình xuống hơn hai năm, tương đương tác hại của hút thuốc lá. Viện Chính sách Năng lượng của Đại học Chicago (EPIC) khuyến cáo tiếp xúc liên tục với 10 µg/m³ PM2.5 sẽ làm giảm khoảng một năm tuổi thọ.

WHO nhận định ô nhiễm không khí là "kẻ giết người thầm lặng". Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, bệnh nhân bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn. Khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp liên quan ô nhiễm không khí.

Đeo khẩu trang, tập thể dục sáng sớm không thoát được ô nhiễm không khí

Trao đổi với Phụ nữ & Pháp luật, Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính (Bệnh viện Phổi Trung ương), khuyến cáo người dân là khi ô nhiễm không khí, mọi người thường sẽ có thói quen đeo khẩu trang y tế, khẩu trang vải lúc ra đường nhưng cách này không có tác dụng đối với bụi mịn PM2.5. Nguyên nhân là hạt bụi mịn này rất nhỏ, mắt thường không thể nhìn thấy được, vì thế khẩu trang cũng không thể ngăn được chúng.

“Chỉ có khẩu trang N95, một số khẩu trang chuyên dụng khác có kết cấu màng siêu lọc mới ngăn được loại bụi mịn này. Tuy nhiên, người dân lại rất ít dùng những loại khẩu trang này vì không quen hoặc do giá thành đắt đỏ”, bác sĩ Thành cho hay.

Ngoài ra, thông tin không khí Hà Nội bị ô nhiễm ở mức độ cao đã khiến cho nhiều người lo lắng và không ít người chọn cách tập thể dục vào buổi sáng sớm trước khi có các phương tiện giao thông ra ngoài nhiều, nhằm tránh bị ô nhiễm. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc này vẫn khó tránh các ảnh hưởng đến sức khỏe.

BSCK II Huỳnh Tấn Vũ (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 3) cho biết, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tập thể dục ở các độ thị vào sáng sớm, nhất là ngày không khí bị ô nhiễm nặng, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là với người cao tuổi, người có bệnh lý mãn tính liên quan đến phổi... Nguyên nhân do hiện tượng nghịch nhiệt do bức xạ về đêm có thể khiến các chất ô nhiễm ở thời điểm này cao hơn ban ngày đến 2 - 3 lần. Hiện tượng này có thể kéo dài đến sáng sớm và bụi ô nhiễm bay lơ lửng dưới mặt đất, nên người tập thể dục quá sớm sẽ dễ hít phải những hạt bụi này.

Ngoài ra, bác sĩ Vũ còn khuyến cáo, tập thể dục quá sớm kể cả khi không khí không bị ô nhiễm cũng không tốt cho hệ hô hấp do cây cối xung quanh vẫn hấp thụ oxy thải CO2. Vì vậy, bác sĩ khuyên mọi người chỉ ra ngoài trời tập thể dục khi đã có ánh nắng mặt trời. Với những ngày không khi ô nhiễm, nên lựa chọn vận động, tập nhẹ trong nhà hơn là đi ra môi trường, tốt nhất nên trang bị máy lọc không khí tại gia đình.

Để bảo vệ đường hô hấp, sau khi tập thể dục về nên vệ sinh mũi họng đúng cách để đẩy bụi hoặc tác nhân gây bệnh ra ngoài. Đồng thời, cần chăm sóc dinh dưỡng tốt giúp cơ thể tăng đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật, nhất là các tác nhân gây bệnh từ vi khuẩn, virus.

Bộ Y tế khuyến cáo

Những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Với người hút thuốc lá: nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá. Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.

Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu, Bộ Y tế khuyên thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra cần hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

PN (SHTT)

Nổi bật