Chỉ số chất lượng không khí ở Việt Nam được chia làm 6 cấp, trong đó ngưỡng đỏ (có hại cho sức khỏe mọi người) với khuyến cáo tất cả mọi người bắt đầu chịu tác động sức khỏe do ô nhiễm không khí. Ngưỡng tím (ngưỡng rất có hại cho sức khỏe con người với khuyến cáo mọi người nên hạn chế ra ngoài). Ngưỡng nguy hiểm nhất là ngưỡng nâu với khuyến cáo tất cả mọi người có thể bị tác động sức khỏe nghiêm trọng, nên ở trong nhà.
Sáng nay (23/11), hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air ghi nhận số lượng điểm ô nhiễm ở ngưỡng tím ở Hà Nội nhiều hơn hôm nay.
Các điểm đo tại Chùa Láng (Đống Đa), chung cư Văn phòng Quốc hội (Nam Từ Liêm), trường mầm non GCA Ecolife (Nam Từ Liêm), Đội Cấn (Ba Đình), Trâu Quỳ (Gia Lâm) đều ở ngưỡng rất có hại cho sức khỏe con người.
Đáng lưu ý, tại Hà Nội, hai điểm đo ở Trung tâm Sao Mai (Thanh Xuân) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Cầu Giấy) lên ngưỡng nguy hại với chỉ số chất lượng không khí AQI vượt mức 300, ngưỡng nguy hiểm cho sức khỏe con người với khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.
Tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các điểm đo của PAM Air ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí phổ biến ở ngưỡng tím và nâu.
Thành phố Nam Định và huyện Hải Hậu của tỉnh Nam Định ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng nâu trong sáng nay. Khu vực Thái Thụy của Thái Bình, huyện Vĩnh Bảo của Hải Phòng cũng ở ngưỡng nâu.
Các điểm đo khác ở Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh cũng phổ biến ở ngưỡng tím.
Hệ thống theo dõi chất lượng không khí của Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng ghi nhận ô nhiễm phổ biến ở ngưỡng đỏ và tím. Trong khi trang theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ bao trùm là ngưỡng tím.
Trang theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ nhận định, đợt ô nhiễm không khí trên còn kéo dài trong nhiều ngày tới ở các tỉnh miền Bắc, do điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Ô nhiễm nghiêm trọng nhất sẽ xảy ra vào buổi sáng, từ trưa chiều, chất lượng không khí được cải thiện.
Bộ Y tế khuyến cáo, ô nhiễm không khí từ ngưỡng đỏ, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).
Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Với người hút thuốc lá nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá. Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.
Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu cần thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra cần hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc được xác định bởi các nguồn từ giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh như đốt rác, đốt rơm rạ. Thời gian từ 10 đến tháng 3 hàng năm được coi là "mùa ô nhiễm không khí" ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Đây là thời gian thường xuyên xảy ra các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng do tác động của điều kiện thời tiết khiến chất ô nhiễm không phát tán được.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để có biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Theo Nguyễn Hoài (Tiền Phong)