Ngày 25/7, Báo Dân Trí dẫn thông tin từ Bệnh viện E cho biết, khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình vừa cấp cứu và phẫu thuật thành công cho một cháu bé trai 3 tuổi (Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) bị dao sắc nhọn đâm mạnh vào gót chân cắt rách một đoạn dài và sâu, thậm chí đứt cả gân chân.
Người nhà bệnh nhi cho biết, tai nạn xảy ra khi bố bệnh nhi sử dụng dao (loại dao Thái sắc, nhọn) gọt hoa quả nhưng để quên dưới sàn nhà khiến cậu bé 3 tuổi đang chơi gần đó "đá" vào gây nên tai nạn sinh hoạt vô cùng nguy hiểm này.
Bác sĩ Kiều Quốc Hiền, Trưởng khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình chia sẻ trên VietNamNet, bé trai vào cấp cứu với vết thương ở mặt ngoài cổ chân phải rộng 5cm x 2cm, vết cắt sâu tới tận xương và đang chảy máu rất nhiều. Cháu bé trong tình trạng vô cùng hoảng loạn.
Các bác sĩ ngay lập tức tiến hành sơ cứu cầm máu tạm thời cho cháu bé. Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán vết thương của cháu bé là ở phần mềm vùng mặt ngoài cổ chân, đứt gân cổ chân phải. Sau khi có kết quả xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, các bác sĩ quyết định mổ cấp cứu xử lý tổn thương cho cháu bé.
Ca phẫu thuật xử lý cấp cứu khâu nối toàn bộ chỗ gân bị đứt kể trên và khâu cầm máu vết thương. Sau 3 ngày phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của cháu bé ổn định và sớm được xuất viện.
Tuy nhiên, bác sĩ Hiền chia sẻ cháu bé bị đứt gân rất nhiều, dù đã được các bác sĩ nối lại thành công nhưng để vận động được phải tập phục hồi chức năng sau mổ rất nhiều và đau đớn. Trong khi cháu bé còn quá nhỏ, sự phối hợp không dễ thì việc phục hồi chức có thể mất nhiều thời gian hơn.
Bác sĩ khuyến cáo tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ thường đến bất ngờ, khó lường trước, gây ra những thương tổn trên cơ thể các em. Nhất là vào dịp nghỉ hè, các tai nạn sinh hoạt gây thương tích cho trẻ nhỏ thường gia tăng đột biến.
Hằng ngày, các cơ sở y tế đều phải cấp cứu cho rất nhiều trẻ em bị tai nạn chấn thương trong sinh hoạt tạo nên những thương tích nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Những chấn thương này nếu không được cấp cứu hoặc xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và tâm lý sau này của trẻ nhỏ. Vì thế, khi xảy ra tai nạn sinh hoạt đối với trẻ nhỏ, dù là tai nạn nhỏ cũng cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, xử trí kịp thời các vết thương, loại trừ các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ sau này.
PN (SHTT)