BS.CKI Lê Thị Ngọc Diệp, đơn vị Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tại một bệnh viện tư ở TP.HCM, cho biết, thời gian qua, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị liệt mặt do sử dụng quạt và điều hòa. Ngoài những bệnh nhân lớn tuổi còn có trẻ em, phần lớn bị liệt mặt khi ngủ dậy. Điển hình là trường hợp của bệnh nhi Tú Ân (13 tuổi), nhập viện trong tình trạng méo miệng, mắt không nhắm kín được sau một đêm ngủ. May mắn, em được người nhà phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp.
Trực tiếp điều trị cho bệnh nhi, bác sĩ Diệp cho biết, bé gái bị liệt mặt nguyên phát (liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên) và được điều trị bằng phương pháp ôn châm (châm kim vào các huyệt vùng mặt liệt và cứu ngải), kết hợp với chiếu đèn hồng, xoa bóp và tập cơ mặt bên liệt. Sau 5 ngày, tình trạng bệnh của bé Tú Ân đã được cải thiện 95%.
Theo bác sĩ Diệp, liệt mặt trong y học cổ truyền gọi là phong hàn tà phạm kinh lạc, hay tình trạng viêm dây thần kinh số 7. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ thể nhiễm lạnh hoặc ngủ điều hoà sai cách (nhiệt độ ngoài trời quá cao mà ngủ điều hòa quá lạnh). Việc các bác sĩ sử dụng phương pháp châm cứu có tác dụng kích thích cơ mặt bị liệt, ôn châm giúp khí huyết lưu thông và việc phục hồi nhanh chóng hơn.
ThS.BS Ngô Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Khoa Châm cứu - Dưỡng sinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết, hiện nay đang là mùa hè, khí hậu trở nên nóng bức hơn, vì vậy việc sử dụng điều hòa và quạt máy là không tránh khỏi. Tuy nhiên, việc nhiều người có thói quen ngủ dưới điều hòa và quạt máy với cường độ cao là không đúng. Bởi, đây là một trong những yếu tố nguy cơ gây nên liệt mặt ngoại biên dẫn đến mất thẩm mỹ, ảnh hưởng công việc, tâm lý người bệnh và chất lượng sống.
Dấu hiệu bị liệt mặt là nhìn vào sẽ thấy mặt người bệnh mất cân xứng, các cơ mặt bị kéo về một bên, nếp nhăn vùng trán, rãnh mũi má mắt, nhân trung lệch, miệng méo. Ngoài ra, người bệnh còn gặp tình trạng mắt nhắm không kín, nhãn cầu chuyển động lên phía trên. Việc hực hiện các động tác nhăn trán, nhíu mày, nhăn răng, trề môi, phồng má, thổi sáo... cũng trở nên khó khăn. Không chỉ vậy, người bị bệnh còn có thể gặp các triệu chứng ù tai, chảy nước mắt bên liệt...
“Liệt mặt ngoại biên do lạnh mức độ nhẹ 80% sẽ tự lành trong vòng vài tuần sau đó. Tuy nhiên, nếu nặng thì việc điều trị gặp khó khăn. Bệnh thường khởi phát đột ngột, sau đêm ngủ dậy, liệt nửa mặt hoàn toàn xuất hiện trong vòng 24 - 48 giờ”, bác sĩ Oanh chia sẻ.
Đừng nên để máy lạnh, quạt máy tỏa gió vào người
Để sử dụng điều hòa và quạt máy tốt cho sức khỏe, BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, lưu ý, người dân không nên chuyển đột ngột từ nhiệt độ nóng qua lạnh (điều hòa) và ngược lại. Bác sĩ Vũ giải thích, việc thay đổi trạng thái cơ thể từ nhiệt độ cao sang môi trường có nhiệt độ thấp có thể gây choáng váng. “Khi ở phòng điều hòa, nhiệt độ không đủ cao để mồ hôi bốc hơi, do đó mồ hôi dễ thấm ngược lại và gây cảm lạnh. Mạch máu có thể bị co đột ngột dẫn đến tình trạng tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ”, bác sĩ Vũ phân tích.
Đối với trẻ, cha mẹ khi sử dụng điều hòa hoặc quạt tuyệt đối không để luồng gió thổi thẳng vào người trẻ. Khi bật điều hòa, cha mẹ không nên để nhiệt độ quá thấp, tốt nhất là khoảng 25-28 độ C. Khi mở quạt máy, cần để quạt quay đều khắp phòng, không nên để quạt chiếu thẳng vào mặt, đầu trẻ.
Ngoài ra, để tránh gặp tình trạng liệt mặt, mọi người nên:
+ Tránh ngủ ở nơi có gió lùa.
+ Tránh ngủ ở nơi có nhiệt độ quá lạnh hay hơi lạnh trực tiếp từ quạt hay điều hòa phả vào vùng đầu mặt.
+ Tránh tiếp xúc đột ngột với nước lạnh, như uống nước đá hay tắm ngay sau khi đi ngoài trời nắng nóng về.
+ Không nên tắm quá khuya, thời gian tắm tốt nhất là trước 19h.
+ Cần điều trị sớm các chứng viêm nhiễm ở tai, mũi, họng để tránh các biến chứng ảnh hưởng tới dây thần kinh số 7.
* Tên bệnh nhi đã được thay đổi.
Theo Diệu Thuần (Phụ nữ thủ đô)