Tôi chỉ là một anh chàng từ vùng nông thôn nghèo khó lên thành phố kiếm việc làm. Còn vợ sinh ra trong một gia đình khá giả ở thành thị. Ban đầu tôi luôn cảm thấy mình không xứng với cô ấy, nhưng vì yêu tôi vẫn thử tỏ tình.
Bởi nếu dũng cảm thử thì may ra còn có cơ hội, nếu mãi không mở lời thì chắc chắn sẽ chẳng có cơ hội, mà tôi thì không muốn sau này phải hối hận. Thật không ngờ, cô ấy đã đồng ý hẹn hò với tôi. Khỏi phải nói, lúc đó tôi mừng hơn bắt được vàng nữa.
Yêu nhau hơn một năm bạn gái đưa tôi về nhà ra mắt. Tưởng họ sẽ coi thường tôi, ép hai đứa phải chia tay vì gia cảnh quá khác biệt, nhưng không ngờ họ lại đồng ý cho chúng tôi bên nhau.
Bố mẹ bạn gái nói, họ tin tưởng vào mắt nhìn người của mình, và cảm nhận được ở tôi là một người thành thật, hiền lành và có thể đem lại hạnh phúc cho con gái họ. Nghe những lời này mà tôi mừng lắm, như trút được hòn đá đè nặng trong lòng bấy lâu.
Về phía gia đình tôi, bố mẹ cũng mừng khi thấy con trai kiếm được cô bạn gái vừa đẹp người vừa đẹp nết, gia đình cũng có điều kiện. Nhưng bố mẹ cũng lo nhà gái sẽ thách cưới cao, khi đó gia đình khó lòng xoay sở được.
Dường như biết được nỗi lo của gia đình tôi, khi bàn tới chuyện cưới xin đàng gái không thách cưới và nói rằng “lễ đen” nhà trai đặt bao nhiêu thì tùy, quan trọng là sau này hai đứa sống hạnh phúc là được. Nhà gái đã có lời nhưng bố mẹ tôi vì muốn thể hiện sự tôn trọng với con dâu, với ông bà thông gia nên vẫn cố gắng vay mượn tiền để đặt “lễ đen” 10 triệu và làm 7 tráp xin dâu. Thời đó, ở quê tôi như vậy là lễ to lắm rồi. Nhà bình thường chỉ đặt 3 - 5 triệu “lễ đen” và 3 - 5 tráp thôi.
Sau khi cưới, tôi đi ở rể, tức sống chung với bố mẹ vợ. Bởi vợ tôi là con một, nhà lại rộng, hai đứa lại chưa có nhà nên sống cùng bố mẹ luôn.
Nói thật, những ngày đầu mấy chị về nhà chồng làm dâu thế nào thì tâm trạng tôi lúc đó y chang vậy. Lúc nào cũng khép nép, chỉ sợ làm cái gì đó không vừa lòng bố mẹ vợ. Nhưng sau một thời gian ngắn, tâm lý đó không còn nữa, bởi bố mẹ vợ đối xử với tôi rất tốt, coi tôi như con trai trong nhà vậy.
Vợ tôi mà làm sai, bố mẹ vợ cũng thẳng thừng khiển trách, chỉ dạy. Tôi phạm lỗi, bố mẹ cũng không kiêng nể mà chỉ bảo ngay. Nói chung, bố mẹ vợ rất tâm lý và là người thấu tình đạt lý, không phân biệt con gái, con rể.
Chớp mắt vợ chồng tôi đã cưới nhau được 5 năm rồi. Cách đây một tuần, mẹ tôi đổ bệnh phải nhập viện. Anh trai gọi điện cho tôi nói rằng chi phí phẫu thuật của mẹ tốn rất nhiều tiền, hỏi tôi tìm cách xoay tiền về cứu mẹ.
Từ khi cưới đến nay, lương tôi do vợ giữ nên thực sự không có được mấy đồng trong người. Vì vậy tôi đành bàn với vợ:
- Mẹ anh nằm viện cần tiền phẫu thuật, em xem vợ chồng mình gửi về quê 10 triệu có được không?
Bình thường vợ và mẹ tôi không xảy ra xích mích gì, có lẽ vì “xa thơm gần thối” cũng nên. Do đó khi đề cập tới chuyện tiền bạc với vợ tôi hơi ngại, sợ đưa ra con số to hơn thì cô ấy không vui.
Không ngờ mẹ vợ lúc đó đi ngang qua và vô tình nghe hết những gì tôi vừa nói. Không để vợ kịp trả lời, mẹ vợ đã đi tới tát tôi một cái. Bà nghiêm mặt nói:
- Mẹ không ngờ con lại là người như vậy. Bố mẹ đã sinh ra con, nuôi dưỡng con khôn lớn thành người vậy mà giờ còn lại tính toán, tiếc tiền với bố mẹ à? Tiền cạn đi thì có thể kiếm lại được, nhưng một khi tình thân không còn thì rất khó để hàn gắn. Cho dù có hàn gắn được thì chắc chắn vẫn còn vết sẹo. Khi bố mẹ còn sống thì nên quan tâm, chăm sóc, đừng đợi đến khi bố mẹ khuất núi rồi ngồi đó mà đốt vàng mã.
Cái tát của mẹ vợ đã khiến tôi sực tỉnh. Vợ cũng nói y như mẹ vợ, thậm chí không ngần ngại rút ra cuốn sổ tiết kiệm 200 triệu đưa cho tôi, rồi bảo sẽ thu xếp hành lý để hai vợ chồng cùng về quê xem bệnh tình của mẹ thế nào.
Giờ vợ chồng tôi đang ở trong bệnh viện, nhờ có khoản tiền đó mà mẹ tôi được phẫu thuật kịp thời. Vợ tôi tuy là gái thành thị nhưng cô ấy chẳng nề hà gì việc lau người, chăm sóc cho mẹ chồng.
Bố mẹ vợ hầu như ngày nào cũng gọi điện hỏi thăm bệnh tình của mẹ tôi. Thấy vợ chăm sóc mẹ tận tình, được bố mẹ vợ quan tâm như vậy mà tôi cay khóe mắt, thật sự mừng vì đã tìm được một người vợ tốt, có bố mẹ vợ tốt.
Theo Cẩm Tú (Tri thức & Cuộc sống)