Jaime Alexis Stathis là cây viết về sức khỏe, công nghệ, dinh dưỡng với bài đăng trên Self, Wired, Parade, Bon Appétit, The Independent... Cô cũng là một nhà trị liệu massage được cấp phép.
Dưới đây là chia sẻ của Stathis trên The Healthy về những thay đổi của cơ thể sau khi uống bia liên tục trong một tuần:
Khi tôi quyết định uống bia mỗi ngày trong một tuần, tôi đã không uống một cốc bia nào trong khoảng ba tuần trước đó. Tôi nghĩ rằng với cơ thể khá “sạch cồn”, tôi sẽ nhận biết tác động của bia rõ hơn.
Khi thực hiện thử nghiệm này, tôi đã tham khảo ý kiến của Tiến sĩ J. Wes Ulm, một bác sĩ, nhà khoa học được đào tạo tại Đại học Harvard và MIT (Mỹ), để giải thích những gì đang xảy ra trong cơ thể tôi.
Cảm thấy no bụng
Ngày đầu tiên, tôi uống bia vào khoảng 17h khi vừa làm việc xong. Tôi ăn tối và ngồi chơi giải ô chữ. Khi tham gia thử nghiệm, tôi chọn uống một loại bia được ủ ở trang trại cách nhà vài km. Tôi nhận thấy điều mà nhiều người cảm nhận sau khi uống bia: No bụng.
Tiến sĩ Ulm nói: “Đây là một cảm giác phổ biến xảy ra do một số yếu tố. Quá trình carbon hóa của bia có thể gây ra cảm giác đầy hơi do bọt bia được tạo ra từ CO2. Điều này khiến người uống bia có cảm giác no dù chưa ăn gì".
Ngoài ra, vị tiến sĩ người Mỹ cảnh báo bia có thể gây kích ứng dạ dày, viêm và có tính axit dẫn đến ợ chua, đầy hơi. “Gan sẽ ưu tiên xử lý đồ uống có cồn hơn các chất dinh dưỡng tạo ra calo khác như đường và chất béo”, Tiến sĩ Ulm bổ sung.
Điều đó nghe có vẻ đáng sợ. Bia không chỉ khiến tôi no và không muốn ăn mà còn cản trở quá trình xử lý chất dinh dưỡng của cơ thể. Đêm đầu tiên, tôi ăn tối muộn hơn một chút khi không còn cảm thấy no vì uống bia nữa. Tôi ngủ không ngon giấc có thể do uống bia hoặc bữa tối muộn hơn. Bởi vậy, trong thời gian còn lại của tuần, tôi uống bia sau bữa tối hoặc khi đã ăn một chút gì đó.
Gây buồn ngủ
Tiến sĩ Ulm chỉ ra đồ uống có cồn có tác dụng an thần: “Điều này thường hết tác dụng vào thời điểm bất tiện và khiến bạn tỉnh giấc vào lúc nửa đêm. Cơ thể sẽ tìm cách chống lại cơn buồn ngủ do đồ uống có cồn gây ra vài giờ sau đó bằng cách tăng cường hormone gây căng thẳng như cortisol và epinephrine”.
Bia cũng có chức năng như một chất làm giãn cơ và có thể làm trầm trọng thêm chứng ngưng thở khi ngủ. Đồ uống có cồn là một chất lợi tiểu, làm gián đoạn giấc ngủ của chúng ta khi phải đi vệ sinh vào ban đêm.
Cảm thấy thư giãn
Bất kể uống bia trước, trong hay sau bữa tối, tôi đều có cảm giác thư giãn sau vài ngụm đầu tiên, đó là một phần tạo nên sự hấp dẫn của bia. Tiến sĩ Ulm giải thích: “Có bằng chứng chắc chắn rằng đồ uống có cồn hoạt động giống như GABA - chất dẫn truyền thần kinh mang lại cảm giác dễ chịu, thư thái”.
Điều này nghe có vẻ lý tưởng nhưng thực tế không phải vậy. Quá trình trên có thể cản trở GABA sản sinh tự nhiên. Do đó, nhiều người tiếp tục muốn sử dụng nhiều đồ uống có cồn hơn để khôi phục cảm giác thư giãn. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cảnh báo mỗi người nên uống một lượng bia rượu nhất định để không chịu các tác động xấu tới cơ thể.
Hiền Lê (SHTT)