Uống bia giúp cơ thể đào thải nồng độ cồn nhanh hơn rượu?
PGS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, bia là một loại đồ uống được sản xuất bằng cách lên men đường và lúa mạch. Nồng độ cồn trong bia thường dao động từ khoảng 3 - 12%. Bia thường có nồng độ cồn thấp hơn so với rượu và có thể có nhiều loại mùi vị khác nhau tùy thuộc vào loại bia, quá trình sản xuất và thành phần nguyên liệu.
Rượu là một loại đồ uống có cồn phổ biến được sản xuất bằng cách lên men đường và trái cây hoặc ngũ cốc khác nhau như nho, lúa mạ, lúa mì, lúa mạch, và ngô. Nồng độ cồn trong rượu thường cao hơn so với bia và có thể dao động từ 10% đến hơn 20% theo thể tích. Rượu thường có hương vị và mùi thơm đặc biệt tùy thuộc vào loại trái cây hoặc ngũ cốc được sử dụng để sản xuất.
Tốc độ đào thải nồng độ cồn về 0 không phụ thuộc vào loại đồ uống (bia hay rượu) mà chủ yếu phụ thuộc vào mức độ tiêu thụ cồn và sức khỏe của từng người.
Tuy nhiên, vì rượu thường có nồng độ cồn cao hơn nên nếu tiêu thụ cùng một lượng cồn (ví dụ: 450ml bia có nồng độ 5% cồn và 150ml rượu có nồng độ 12% cồn), cơ thể sẽ phải đào thải một lượng cồn lớn hơn khi uống rượu rượu. Điều này có thể làm cho tác động của rượu trở nên mạnh hơn và kéo dài thời gian cồn duy trì trong cơ thể của người sử dụng.
Tốc độ đào thải cồn thường được ước tính là khoảng 0,015 đến 0,020 gram cồn trên 100 ml máu mỗi giờ. Tuy nhiên, tốc độ này có thể biến đổi dựa trên nhiều yếu tố như cân nặng, giới tính, sức khỏe tổng thể, và lịch sử tiêu thụ cồn.
Nồng độ cồn thấp nhưng vẫn ảnh hưởng đến thần kinh
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho hay, cơ bản thì rượu là chất có hại cho sức khỏe, tác dụng có lợi rất ít khi dùng 1 - 2 ly rượu vang/ngày. Rượu còn là một trong những chất gây ra số lượng bệnh tật nhiều nhất trong các loại chất mà con người sử dụng và tiếp xúc.
Nguy hiểm hơn, bản chất rượu chính là một chất gây nghiện được con người thỏa hiệp từ trước đến nay. Nó gây mất kiểm soát hành vi, càng dùng nhiều thì càng bị phụ thuộc nhiều, ngày càng tăng liều lên, từ uống ít dần dần có thể uống nhiều hơn.
"Ví dụ như trong một bữa tiệc, ban đầu uống rượu người ta thường sẽ chỉ uống ít, nhưng sau đó thì dần mất kiểm soát và tiếp tục uống nhiều lên một cách nhanh chóng.
Nhiều người về lâu dài, qua năm tháng uống rượu thì số lượng rượu cũng sẽ được uống nhiều lên trong mỗi lần uống. Thậm chí nhiều người nghiện rượu xuất hiện những cơn vật rượu, muốn bỏ thì phải dùng nhiều biện pháp để cai", TS.BS Nguyễn Trung Nguyên giải thích.
Nói về việc rượu ảnh hưởng đến người tham gia giao thông như thế nào, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, kể cả khi chỉ uống ít rượu với nồng độ thấp thì cũng sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, tâm thần của người điều khiển phương tiện giao thông.
"Nhẹ là sẽ gây hưng phấn, nặng hơn là gây mất kiểm soát hành vi. Uống đến một nồng độ nhất định nó sẽ gây mất khả năng điều khiển, phối hợp vận động, mất khả năng phán xét… thì rõ ràng là không thể lái xe.
Với những người tâm lý ổn định, bình tĩnh thì còn có thể sẽ phần nào kiểm soát được. Với những người tâm lý khó kiểm soát, trong đầu luôn có xu hướng chống đối xã hội, kích động… thì phần lớn sẽ gây nguy hiểm khi tham gia giao thông", TS.BS Nguyễn Trung Nguyên lý giải.
Theo Thúy Ngà (Gia Đình Việt Nam)