Lá nguyệt quế được sử dụng làm gia vị tạo hương vị cho món ăn. Ở các chợ, siêu thị, bạn có thể mua lá nguyệt quế ở dạng tươi, khô hoặc bột.
Loại lá này ít người Việt Nam quan tâm nhưng được ưa chuộng ở các nước châu Âu, Mỹ. Giá bán của lá nguyệt quế ở Mỹ có thể lên tới 1,5-2 triệu đồng/kg. Trong tháng 10/2023, xuất khẩu lá nguyệt quế đã đem về cho Việt Nam 33.000 USD, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có nhiều loại nguyệt quế khác nhau nhưng đều có hương vị và thành phần dinh dưỡng tương tự.
Giá trị dinh dưỡng
Một thìa lá nguyệt quế vụn chứa 5,5 calo, 0,1g protein, 0,1g chất béo, 13g carbohydrate. Lá nguyệt quế chứa một lượng nhỏ các vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe như canxi, đồng, sắt, magie, mangan, kẽm, vitamin A, B2, B6, C.
Lợi ích
Lá nguyệt quế ít calo nhưng chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Theo Webmd, một số lợi ích sức khỏe nổi bật của lá nguyệt quế bao gồm:
Tăng cường miễn dịch: Lá nguyệt quế là nguồn cung cấp vitamin A, B6 và C. Những loại vitamin này có tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Hỗ trợ tiêu hóa: Trà làm từ lá nguyệt quế có thể giảm bớt cơn đau bụng. Trà rất thơm, có thể giảm xoang hoặc nghẹt mũi.
Ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2: Một số nghiên cứu nhỏ cho thấy uống viên nang hoặc trà pha từ lá nguyệt quế có thể giảm lượng đường trong máu.
Giảm lo âu: Khói từ đốt lá nguyệt quế được cho có khả năng giảm căng thẳng. Điều này có lẽ do khói lá nguyệt quế chứa linalool, hợp chất cũng được tìm thấy trong một số loại cây khác như bạc hà và hoa oải hương.
Hỗ trợ điều trị các bệnh hô hấp: Tinh dầu chiết xuất từ lá nguyệt quế có thể sử dụng để giảm các tình trạng hô hấp khác nhau. Tuy nhiên, người bị hen suyễn cần đề phòng nguy cơ bị kích ứng khi đốt lá để hít khói.
Các bệnh nhân tuyệt đối cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng lá nguyệt quế.
Đuổi côn trùng: Lá nguyệt quế chứa các loại tinh dầu như eucalyptol, terpen và methyleugenol, góp phần tạo nên hương thơm khiến côn trùng sợ.
Những người tránh dùng
Lá nguyệt quế an toàn cho hầu hết mọi người, nhưng một số nhóm dưới đây nên thận trọng:
Người có cơ địa dị ứng: Nếu bạn từng bị phản ứng với lá nguyệt quế trong thức ăn, hãy tránh đốt lá nguyệt quế hoặc sử dụng tinh dầu từ loại lá này.
Người sắp phẫu thuật: Tránh sử dụng lá nguyệt quế 2 tuần trước khi mổ vì có thể ảnh hưởng đến chức năng của hệ thần kinh trung ương, đặc biệt khi kết hợp với thuốc gây mê.
Phụ nữ mang thai và cho con bú: Chưa có nghiên cứu đầy đủ về tác dụng của dùng lá nguyệt quế làm thuốc trong thời kỳ phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.
Cách dùng
Lá nguyệt quế hay được bán ở dạng lá khô để tạo hương vị cho súp, món hầm và nước sốt. Bạn có thể sử dụng máy xay thực phẩm hoặc máy xay cà phê để xay lá thành bột. Một số nơi bán lá tươi hoặc bột khô.
Người nội trợ thường cho lá nguyệt quế khô vào nồi trước khi nấu để thực phẩm hấp thụ hương vị của loại gia vị này. Tuy nhiên, lá có vị đắng và vẫn cứng ngay cả khi đã nấu nên bạn tốt nhất bỏ ra khỏi đĩa trước khi bày thức ăn lên bàn.
Dạng tươi và bột thường có xu hướng đậm vị hơn nên bạn lưu ý khi gia giảm. Bạn cũng không nên ăn sống lá này vì khó nhai và khó tiêu hóa.
Theo An Yên (VietNamNet)