Lá nguyệt quế (bay leaves) là lá của cây nguyệt quế, có xuất xứ từ Địa Trung Hải. Cây nguyệt quế xuất hiện ở các nước Ấn Độ, Pakistan, các nước Đông Nam Á, một số đảo Thái Bình Dương, xung quanh bờ biển Địa Trung Hải...
Lá nguyệt quế có chiều dài khoảng 6-12cm, chiều rộng khoảng 2-4cm. Hình dạng của lá rất đặc trưng với mép lá nhăn và có khía răng cưa đều đặn. Lá có màu xanh lục, hình bầu dục, dày và nhẵn bóng.
Loại lá này luôn tỏa ra mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu. Lá nguyệt quế có thể được thu hái bất kì thời điểm nào trong năm từ một cây trưởng thành.
Với hương vị cay cay, đắng đắng cùng mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng, lá nguyệt quế là một trong những loại gia vị được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực.
Lá nguyệt quế hay dùng để nấu phở - món ăn phổ biến của người Việt. Chúng cũng được dùng để ướp, xào hoặc chế biến các món như súp, nước sốt hay khử mùi tanh của thịt, cá.
Tác dụng của lá nguyệt quế trong nấu ăn giúp kích thích vị giác, làm tăng hương vị thơm ngon cho các món ăn. Chỉ cần một, hai lá nguyệt quế cũng đã đủ để tạo hương vị cho món ăn.
Không chỉ được dùng làm tăng thêm hương vị cho các món ăn, lá nguyệt quế còn là một loại dược liệu quý, rất tốt cho sức khỏe với những công dụng bất ngờ.
Trong lá nguyệt quế có 2 thành phần kháng viêm là mycrene và eugenol, khi gặp lửa sẽ dễ dàng bay hơi. Vì vậy, đốt lá nguyệt quế để hít có tác dụng giảm các triệu chứng sưng viêm liên quan tới hệ hô hấp. Tinh dầu nguyệt quế giúp phổi được làm sạch, giảm sự đông đặc phổi, đường thở thông thoáng, hô hấp thuận lợi.
Do đó, người bị hen suyễn, dị ứng hoặc mắc các bệnh về hô hấp có thể đốt và ngửi lá nguyệt quế để cải thiện tình trạng.
Các nhà khoa học chứng minh rằng lá nguyệt quế có công dụng rất tốt trong việc làm giảm đường huyết, cholesterol, giúp phòng ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch. Lá nguyệt quế tốt còn cho người bị tiểu đường, đặc biệt tốt cho những người bị hội chứng ruột kích thích...
Một công dụng khác của lá nguyệt quế là giúp cải thiện làn da của bạn. Các vitamin A và vitamin C trong lá nguyệt quế giúp tăng cường hệ miễn dịch và chống oxy hóa hiệu quả.
Lá nguyệt quế cũng là một thành phần quan trọng trong trà, dầu, pho mát và rượu, và tinh dầu của nó được sử dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm cho xà phòng, nước hoa, thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống và các sản phẩm nha khoa.
Loại lá này còn được dùng để đan thành vòng nguyệt quế, biểu trưng cho sự chiến thắng, quyền lực và tài lộc.
Một công dụng ít người biết của lá nguyệt quế là khả năng xua đuổi côn trùng. Lá nguyệt quế có công dụng đặc biệt trong việc ngăn chặn sự xuất hiện của gián.
Đặc trưng của loài gián là sợ những mùi thơm, mùi hăng hoặc cay nồng. Mùi hương của lá nguyệt quế đối với loài gián lại là mùi hăng khó chịu. Vì thế, các chị em nội trợ thường vò khoảng 8-10 lá nguyệt quế, bỏ vào trong nước lau nhà rồi dùng nước đó lau như bình thường để xua đuổi gián.
Không chỉ có nhiều công dụng quý báu đối với sức khỏe và đời sống, loại lá cây này còn mang về nguồn thu ngoại tệ lớn.
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 10/2023, xuất khẩu lá nguyệt quế đã thu về 33.000 USD, tăng 323,9% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng năm 2023, xuất khẩu lá nguyệt quế đạt 936.000 USD, tăng tới 1.738,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyệt quế được trồng khá nhiều ở Việt Nam. Lá nguyệt quế Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu.
Lá nguyệt quế được tiêu thụ theo nhiều cách và dùng cho nhiều mục đích khác nhau. Ngoài lá tươi, các dạng chế biến phổ biến khác bao gồm toàn bộ lá khô, lá đông lạnh, bột và tinh dầu chiết xuất.
Tại thị trường trong nước, lá nguyệt quế khô đang được các công ty nông sản, siêu thị bán ra với mức giá từ 50.000-70.000 đồng/100g.
Tại các siêu thị ở Mỹ, giá lá nguyệt quế dao động từ 1,5-2 triệu đồng/kg.
Theo Hạnh Nguyên (VietNamNet)