Từ vụ bé trai 7 tuổi bị bắt cóc ở Hà Nội: Tầm quan trọng của việc dạy trẻ kỹ năng sống

17/08/2023 07:04:12

Cần huấn luyện cho trẻ thật sự bình tĩnh, tỉnh táo, nghe theo lời đối tượng, khi có cơ hội thì bỏ trốn hoặc kêu cứu người giúp đỡ.

Liên quan vụ bắt cóc, đòi 15 tỷ đồng xảy ra tại Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, xảy ra ngày 14/8 vừa qua, khi đọc được thông tin do gia đình chia sẻ về việc bé trai 7 tuổi đã từ chối ăn bánh mì của kẻ bắt cóc đưa cho vì sợ có độc, nhưng lại uống chung chai nước mà đối tượng uống vì cho rằng nó an toàn..., dư luận đã dành nhiều lời khen ngợi cho cậu bé dũng cảm, bản lĩnh và thông minh này. 

Theo anh C. - bố bé P. (tên gọi ở nhà là Ken, 7 tuổi, nạn nhân) chia sẻ với báo chí, sau khi đưa con về, anh được con trai kể lại thời điểm mới bắt cóc lên xe đã bị đối tượng gí súng dọa bắn nếu kêu khóc. Khi di chuyển trên đường, đối tượng cũng nhiều lần dùng băng dính dán miệng để cháu không gào khóc…

“Đối tượng cũng nhiều lần cho nước uống, bánh mỳ nhưng con trai anh nói không dám ăn vì sợ có thuốc độc, chỉ uống chung chai nước với đối tượng vì nghĩ bản thân đối tượng uống được thì chắc chắn không có độc " - anh Chiến kể lại và cho biết, dù trải qua một đêm "tồi tệ" nhưng tâm trạng của cháu đã ổn định, không còn biểu hiện sợ hãi…

Từ vụ bé trai 7 tuổi bị bắt cóc ở Hà Nội: Tầm quan trọng của việc dạy trẻ kỹ năng sống
Bé trai bị bắt cóc (áo vàng) có tinh thần thoải mái sau vụ việc. Ảnh Thanh Niên Online

Không chỉ cư dân mạng, mà ngay cả Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an Hà Nội (người chỉ huy cuộc giải cứu cháu P.) cũng dành lời khen cho cháu bé. Ông đánh giá, cháu đã được giáo dục tốt những kỹ năng nhất định, nhà trường, gia đình cần triển khai các hình thức giáo dục kỹ năng sống cho trẻ sớm nhất có thể.

Tầm quan trọng của việc trang bị cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân

Báo Gia đình & Xã hội dẫn lời Tiến sĩ Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho biết, cháu bé sợ bị đầu độc nên không ăn thức ăn của đối tượng, chỉ uống nước vì cho rằng đối tượng cũng uống nên an toàn là điều đáng khen ngợi. Đây là suy nghĩ khá ngây thơ nhưng những hành động sau đó của cháu bé cũng thể hiện sự thận trọng và cũng thể hiện cũng là kỹ năng của trẻ em để đảm bảo an toàn cho mình.

Dù mới 7 tuổi nhưng cháu bé nhận thức được rằng mối nguy hiểm đang rình rập và có thể bị đầu độc nên bản năng sinh tồn và các kỹ năng đã được giáo dục ở nhà trường, ở gia đình khiến cháu bé trở nên cảnh giác hơn đối với đối tượng gây án.

Có lẽ kỹ năng này cháu bé đã học được trong sách vở, trên không gian mạng hoặc do cha mẹ, thầy cô dạy bảo. Ứng xử của cháu bé là rất thông minh, rất đáng khen ngợi. Có lẽ vì cháu bé bình tĩnh, tỉnh táo và có cách xử trí phù hợp nên đối tượng yên tâm về việc đã khống chế được cháu bé và không làm hại cho cháu trong suốt thời gian đó.

Khi theo dõi vụ việc này, chắc hẳn nhiều người đều sẽ rất lo lắng cho cháu bé, rất may mắn là cháu đã thoát khỏi sự nguy hiểm, được giải cứu và trở về an toàn bên gia đình. Hành vi của đối tượng trong vụ án này là rất nguy hiểm, không chỉ xâm phạm vào quyền tự do thân thể của cháu bé mà còn liên tục đe dọa uy hiếp đến tính mạng của nạn nhân nếu như hắn gặp nguy hiểm hoặc không đạt được mục đích.

Từ vụ bé trai 7 tuổi bị bắt cóc ở Hà Nội: Tầm quan trọng của việc dạy trẻ kỹ năng sống - 1
TS. LS. Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam.

Trong suốt quá trình thực hiện hành vi, đối tượng buộc phải khống chế cháu bé để thực hiện vi đe dọa cưỡng đoạt tài sản của cha mẹ cháu bé. Chính vì vậy nếu cháu bé sợ hãi và nghe theo yêu cầu của đối tượng bắt cóc thì nạn nhân sẽ được đảm bảo an toàn hơn. Tuy nhiên, không phải cháu bé nào cũng có thể bình tĩnh, nghe theo hướng dẫn, yêu cầu của đối tượng bắt cóc. Hơn nữa, khi cháu bé chứng kiến việc đối tượng đe dọa sẽ sát hại mình trong quá trình giao tiếp với gia đình cũng sẽ làm cháu hoảng loạn sợ hãi, kêu cứu dẫn đến đối tượng có thể sẽ "giết người diệt khẩu".

Vấn đề làm sao để cho nạn nhân nhận thức được rằng mình đang trong tình huống nguy hiểm, làm sao thể hiện thái độ, hành vi để đối tượng yên tâm là con tin không bỏ chạy thì con tin sẽ được an toàn.

Khi đó việc ứng xử như thế nào để đảm bảo an toàn cho bản thân là câu chuyện rất khó, kể cả người lớn khi rơi vào tình huống đó cũng không phải ai cũng có thể xử lý một cách hợp lý. Bởi vậy, việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu về tâm lý, giáo dục, để đưa ra kinh nghiệm kỹ năng ứng xử trong tình huống này đối với trẻ em là hết sức cần thiết.

Những kỹ năng sinh tồn cần trang bị cho trẻ

Trao đổi với Báo Tiền Phong chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu, hậu quả của tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em thường rất nặng nề, gây ra những tổn hại nghiêm trọng về thể chất, tâm lý của trẻ, nhất là để lại trong tiềm thức đứa trẻ sự mất niềm tin vào con người. Những di chứng này có thể kéo dài trong suốt cuộc đời nạn nhân, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần, tâm lý của trẻ em.

Ông Hiếu cho biết, để phòng ngừa tội phạm bắt cóc và chiếm đoạt trẻ em, cần dạy cho trẻ biết “những người lạ có thể tin tưởng” như thầy cô giáo, chú công an, chú bộ đội, bác bảo vệ cơ quan, nhà trường, nhân viên cửa hàng… Dạy trẻ nhớ thuộc lòng họ tên, số máy điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà của mình, nghề nghiệp của bố mẹ, nhưng phải giữ bí mật những thông tin này, chỉ nói với “những người lạ có thể tin tưởng”.

Đồng thời dạy trẻ không được nói chuyện, hay đi theo người lạ; tuyệt đối không ăn uống bất cứ thứ gì mà người lạ đưa cho; huấn luyện cho trẻ biết kêu gào, khóc thật to để gây sự chú ý cho những người xung quanh khi không may bị bắt giữ lại như “bắt cóc trẻ con, cứu, cứu cháu với”.

Từ vụ bé trai 7 tuổi bị bắt cóc ở Hà Nội: Tầm quan trọng của việc dạy trẻ kỹ năng sống - 2
Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu

Vị Chuyên gia tội phạm học cho rằng, gia đình cũng có thể cho trẻ tham gia tập luyện võ thuật, vừa rèn luyện sức khỏe, nhanh nhẹn, có đủ tự tin để bình tĩnh ứng phó trong các tình huống nguy hiểm.

Trong trường hợp khi bị bắt kéo đi mà việc la hét không có kết quả, trẻ hãy giả bộ ngoan ngoãn, bất ngờ xỉa tay vào mắt, đá vào hạ bộ, vào cẳng chân của đối tượng bắt cóc rồi bỏ chạy, kêu cứu. Nếu thấy có người, cần hét thật to để gây sự chú ý, như: “bắt cóc trẻ con, cứu cháu với” hoặc "các người không phải là bố mẹ tôi".

Đối với trẻ trong độ tuổi học tiểu học, THCS, bắt đầu tham gia các hoạt động của trường lớp, cộng đồng, như đi dã ngoại, vệ sinh môi trường khu dân cư, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử…, cần dạy trẻ biết tuân theo các quy định của người phụ trách. Tuyệt đối không tách đoàn, dễ bị lạc, bị bỏ rơi dẫn đến nguy cơ bị bắt cóc.

“Đối tượng xấu có ý định bắt cóc thường hành động khi trẻ đi 1 mình, và hiếm khi ra tay khi trẻ đi với 2-3 người bạn. Dạy trẻ phải ghi chép số điện thoại của bạn bè, người phụ trách, số điện thoại của cảnh sát (113), để khi cần có thể liên lạc được” - chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu chia sẻ.

PN (SHTT)