Mấy hôm rồi, cơm nước cuối tuần ở nhà chồng mệt hết hơi, về đến nhà, tôi vẫn chưa hết ấm ức. Mỗi lần về nhà chồng, tôi đều phải lao đầu vào nấu nướng hết món này đến món nọ rồi đến lúc ăn cơm, nuốt cũng chẳng ngon.
Tháng trước, nhà có giỗ, 5 mâm cỗ, tôi bảo mẹ chồng đặt để đỡ phải rửa bát, nhưng bà nhất định không chịu. Bà kêu đặt cỗ không ngon bằng mình nấu. Thế là bà hì hục đi chợ từ sáng sớm và yêu cầu con dâu phải về từ 7h sáng.
Không dám cãi lời, tôi dậy thật sớm, sắp xếp con cái để về nhà chồng. Nấu xong, tôi hoa mắt chóng mặt. Chưa hết, món nào mẹ chồng cũng đòi phải ăn lúc nóng hổi. Thế là, khách đã ngồi hết vào bàn, tôi vẫn xào, nấu bê ra, không khác gì giúp việc.
Kêu ca với chồng thì anh bảo: “Đàn bà không bếp núc thì không lẽ đàn ông làm?”. Tôi bực mình đáp, "Gia đình em mấy đời, đều đàn ông vào bếp. Ngay cả bố em cũng sớm tối bếp núc, mẹ em chẳng phải làm mấy việc đó".
Chồng tôi thở dài ngao ngán: “Nhà em thế, nhưng nhà anh không thế, đàn bà thì phải bếp núc tươm tất, chứ không đàn ông lấy vợ làm gì?”.
Tuần nào, chồng cũng bắt tôi về quê thăm bố mẹ. Lần nào về cũng bày vẽ cơm nước rất nhiều món. Ăn ít nhưng bát đĩa thì nhiều. Đến lúc dọn dẹp, một mình tôi hì hụi, trong khi mẹ chồng và tất cả đàn ông trong nhà đều vắt chân uống trà.
Tôi quyết định từ giờ sẽ không về nhà chồng thường xuyên nữa. Và vì chuyện này, hai vợ chồng cãi nhau rất nhiều lần.
Mấy lần gần đây, hai vợ chồng về ngoại chơi, anh lại vắt chân chữ ngũ ngồi uống trà, hút thuốc, không làm một việc gì.
Thấy tôi bực mình, mẹ vội chạy vào bênh: “Mấy khi vợ chồng về chơi, để cho nó ngồi uống nước, nhà có việc gì đâu”. “Nhà có việc gì đâu” trong khi ai cũng vội vàng nấu nướng, dọn dẹp. Cả bố tôi cũng phải chung tay làm cỗ.
Mẹ tôi còn bê đĩa hoa quả vào phục vụ con rể như “ông hoàng”. Hôm đó, tôi phải góp ý với mẹ. Chính mẹ làm thế nên con rể mới hư, ỷ lại vào vợ.
Tôi nhắc khéo chồng, không làm thì ra ngoài nhìn ngó tí, chuyện trò với mọi người cho đỡ ngại nhưng chồng tặc lưỡi mặc kệ. Anh coi đó không phải việc của mình.
Người xưa hay nói “dâu con, rể khách” để hàm ý con rể là khách, con dâu là con. “Con” thì phải làm mọi việc trong nhà, còn “khách” được quyền ngồi chơi, đợi cơm. Tôi thấy việc đó thật vô lý. Rể hay dâu đều là con cả.
Tôi quyết định từ lần sau, nếu phải cỗ bàn ở nhà anh thì việc rửa bát là việc của đàn ông. Đàn ông không biết nấu ăn, không lẽ rửa bát cũng không biết nốt? Làm gì có chuyện con rể được lười biếng, còn con dâu thì phải làm mọi việc?
Hỡi các chàng rể, đừng tự cho mình là “khách”! Nếu ở nhà chồng, vợ các anh cũng phải làm hùng hục, bếp núc suốt ngày thì khi về nhà vợ, các anh cũng nên làm tròn trách nhiệm “làm rể”.
Theo Độc giả V.K (VietNamNet)