Ngày 3/4, trong một lớp học tiếng Trung, giáo viên yêu cầu các em đặt câu sử dụng cấu trúc "vì...nên". Một cậu bé tự tin đứng trước lớp, dõng dạc nói: "Khi lớn lên, con muốn làm chủ tịch ngân hàng, vì ông nội con là chủ tịch, bố con cũng là chủ tịch, vì vậy con muốn thừa kế tài sản của gia đình."
Video được đăng tải đã khiến mọi người đều sửng sốt trong giây lát. Cư dân mạng đã bàn tán về hoàn cảnh gia đình của cậu bé. Nhiều người hoài nghi, liệu bố của cậu có thực sự làm chủ tịch hay không?
Một vài tài khoản đưa ra thông tin rằng ông nội của cậu bé là chủ tịch Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc, mẹ cậu từng là phó chủ tịch, cha của đứa bé cũng giữ vị trí quan trọng trong ngân hàng. Trước những tin đồn này, dư luận phản ứng gay gắt. Số đông cho rằng việc "cha truyền con nối" như vậy là không công bằng.
Đối mặt với làn sóng phản ứng của dư luận, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc đã vào cuộc điều tra. Ngay lập tức, danh tính của bố và ông cậu bé được làm sáng tỏ.
Trả lời trước truyền thông, đại diện Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc cho biết: Điều cậu bé nói không đúng sự thật. Ông nội cậu chỉ là một nhân viên bình thường đã nghỉ hưu gần 20 năm, còn cha của cậu chỉ là cán bộ cấp phòng.
Thực tế, câu nói này tưởng chừng như vô hại nhưng thực ra tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tương lai. Một trong những nguyên nhân dẫn đến suy nghĩ này của đứa trẻ là do cách giáo dục của cha mẹ.
Nhà giáo dục Suhomlinski (Ukraina) từng nói: "Mỗi người cha đều là một thiên sứ. Mà thiên sứ thì phải không ngừng học hỏi và sửa đổi bản thân về tính cách, tư tưởng, quan điểm. Và điều quan trọng nhất là người cha cần trở thành tấm gương để con noi theo".
Trẻ em thường có xu hướng dựa dẫm vào bố mẹ. Điều này về lâu về dài có thể dẫn đến sự phụ thuộc, đồng thời khiến chúng trở nên thiếu tự lập. Nói chung, dạy một đứa trẻ tính tự lập từ khi còn nhỏ sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho tương lai chúng sau này.
Dưới đây là những điều cha mẹ cần làm thường xuyên để con trở nên tự lập, tự giác hơn.
1. Không bao bọc con quá mức, để con tách khỏi sự kiểm soát
Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái, mong con gặp thuận lợi trên đường đời, hạn chế những vấp ngã và tổn thương. Vì vậy họ sẵn sàng làm mọi việc thay con, bao bọc con trong vòng tròn an toàn mà họ đặt ra. Tuy nhiên, nếu việc làm của cha mẹ cản trở đến sự trưởng thành về mặt tinh thần của con thì đó không phải là tình yêu đích thực.
Nếu muốn tốt cho con, cha mẹ cần tách con ra khỏi vòng tay mình, không nên nuông chiều con quá mức. Hãy để cho con độc lập trong suy nghĩ và hành động. Nhờ đó, con sẽ có dũng khí đối mặt với những khó khăn, thách thức và đứng vững trên đôi chân của mình.
2. Để con tự làm việc nhà từ nhỏ
Cha mẹ nào cũng không muốn con mình vất vả nên thường có thói quen nuông chiều, bao bọc. Tuy nhiên nếu phụ huynh cứ nuông chiều con trong vùng an toàn, chúng sẽ thiếu đi những kinh nghiệm, kỹ năng thực tế. Vì thế sau này khi ra ngoài "vùng vẫy", những đứa trẻ dễ mắc sai lầm hơn.
Một trong những điều cha mẹ cần cứng rắn với con từ khi con còn bé là để chúng sống tự lập. Dù gì bạn cũng cần dạy con thành thạo việc nhà, nấu nướng để có thể tự chăm sóc bản thân. Sau này lớn lên, dù ở đâu chúng cũng chăm sóc được chính mình, làm chủ được cuộc sống.
3. Trở thành tấm gương sáng để con noi theo học tập
Làm gương là cách dạy dỗ con hiệu quả nhất. Đôi khi, chỉ nói với con về những giá trị và trách nhiệm là chưa đủ. Cha mẹ phải cho con thấy được hành động. Hành động luôn lớn hơn lời nói. Chúng ta không phải lúc nào cũng "dạy" con bằng lời nói được, thay vào đó hãy thể hiện hành động. Việc trẻ theo dõi hành động sẽ truyền được thông điệp mạnh mẽ hơn.
Nếu cha mẹ muốn con có những thói quen tốt, hãy làm gương cho con thông qua một số hành vi như: Tôn trọng người khác, giải quyết mâu thuẫn ôn hòa, thể hiện lòng biết ơn, không dùng từ ngữ xấu, rèn luyện văn hóa đọc, nói lời xin lỗi khi làm sai...
Cách dạy dỗ của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn tới tính cách của con. Nếu được cha mẹ giáo dục đúng cách, con cái sẽ có tương lai tươi sáng.
Theo Thùy Anh (Nguoiduatin.vn)