Báo Ngoisao.net đưa tin theo trang Sohu, Tiantian, 18 tuổi, người Trung Quốc có thói quen uống hai ly trà sữa mỗi ngày và lười vận động. Một ngày nọ, Tiantian bị khô miệng, đi tiểu nhiều, cũng như buồn nôn và chán ăn. Sau đó, cô hôn mê và ngay lập tức được đưa đi cấp cứu. Lúc này cô được chẩn đoán hôn mê do lượng đường trong máu cao.
Sau khi khám tổng quát, nhiều chức năng cơ thể, các chỉ số sức khỏe của cô gái được đánh dấu màu đỏ. Cô được chẩn đoán tăng đường huyết kết hợp với nhiễm toan ceto, sốc, tiêu cơ vân, suy thận... Yếu tố dẫn tới tình trạng nguy kịch của cô gái đến từ thói quen sinh hoạt. Mẹ cô nói rằng kể từ tháng trước, Tiantian đã chi hơn 100 nhân dân tệ mỗi ngày để đặt mua trà sữa, cola và các đồ uống ngọt.
Sau năm ngày hôn mê, ý thức của Tiantian dần dần tỉnh táo. Với nỗ lực của đội y bác sĩ, cô đã thoát khỏi nguy hiểm. Sau gần một tháng điều trị tại Chi nhánh phía Bắc của Bệnh viện Ruijin trực thuộc Trường Y Đại học Giao thông Thượng Hải, Tiantian được chuyển đến Bệnh viện Nanxiang, một đơn vị liên hiệp y tế của Bệnh viện Ruijin North, để thực hiện bước điều trị tiếp theo.
Lúc này, cô khẳng định với nhân viên y tế: "Tôi sẽ không bao giờ uống trà sữa nữa!".
Đem thắc mắc “trà sữa có thật sự nguy hiểm với sức khỏe” đến hỏi bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Hà (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), phóng viên Tiền Phong được giải đáp như sau: Trà sữa là loại thức uống chứa nhiều đường. Trong một kiểm nghiệm ngẫu nhiên, một cốc trà sữa size M có dung tích 480ml thì có chứa tới gần 100gr đường. Như vậy là quá nhiều đối với nhu cầu tiêu thụ của một người trưởng thành. Bởi vì theo các khuyến cáo dinh dưỡng thì trung bình mỗi ngày bạn nên kiểm soát lượng đường bổ sung không quá 50gr và tốt nhất là dưới 25gr. Nói cách khác, lượng đường trong một cốc trà sữa thường đã nhiều gấp đôi so với nhu cầu tiêu thụ hàng ngày của cơ thể. Trường hợp cô gái mỗi ngày uống hai cốc trà sữa, vậy kết quả suy thận, tiểu đường là không thể tránh khỏi.
Nhân đây, bác sĩ Hà cũng nhắc lại, một trường hợp béo phì rất nổi tiếng trên mạng là Nguyễn Tấn Nh. ở TP.HCM, cao 1m67 nhưng nặng đến 230kg do Nh. có thói quen uống 2 lít nước ngọt mỗi ngày. Theo bác sĩ Hà, việc khiến một người tăng cân không kiểm soát và gây nhiều hệ lụy với sức khỏe nhất chính là tiêu thụ đường quá khả năng chuyển hóa của cơ thể. Việc này có thể dẫn đến những nguy cơ như:
Tăng nguy cơ béo phì: Trà sữa thường chứa nhiều đường, sữa và chất béo, do đó việc uống quá nhiều có thể dẫn đến tăng cân mất kiểm soát.
Gây ra các bệnh tim mạch: Chất béo bão hòa và cholesterol có trong trà sữa có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, đột quỵ.
Gây hại cho gan: Lượng đường cao trong trà sữa có thể khiến gan phải làm việc quá sức, dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ, xơ gan.
Gây hại cho da: Lượng đường cao trong trà sữa có thể làm tăng lượng đường trong máu, dẫn đến tình trạng da sạm nám, mụn trứng cá.
Gây hại cho hệ tiêu hóa: Chất béo và đường trong trà sữa có thể gây khó tiêu, đầy bụng, táo bón hoặc tiêu chảy.
Gây hại cho hệ miễn dịch: Lượng đường cao trong trà sữa có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn.
Gây hại cho hệ thần kinh: Caffeine trong trà sữa có thể gây ra các triệu chứng như lo lắng, bồn chồn, mất ngủ.
Gây nghiện: Trà sữa thường chứa nhiều đường và chất tạo ngọt nhân tạo, kích thích vị giác và tạo cảm giác thèm ăn, khiến bạn dễ uống nhiều hơn và khó cưỡng lại. Caffeine trong trà cũng có thể gây nghiện, khiến bạn khó có thể dừng lại nếu uống trà sữa thường xuyên.
Tăng nguy cơ tử vong sớm: Một kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí y tế quốc tế hàng đầu Circulation cho thấy càng tiêu thụ nhiều đồ uống có đường thì nguy cơ tử vong sớm càng cao. Những người uống nhiều hơn hai ly đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch tăng 31%; mỗi khẩu phần đồ uống có đường bổ sung sẽ làm tăng nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch lên 10%.
Không chỉ vậy, bác sĩ Hà còn cung cấp thêm một thông tin đáng chú ý: trong số những chất phụ gia có trong trà sữa, chất tạo ngọt và kem không sữa (creamer) có chứa một lượng lớn axit béo chuyển hóa. Axit béo chuyển hóa nhân tạo rất có hại cho cơ thể con người. Vào ngày 14/5/2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước loại bỏ hoàn toàn chất béo chuyển hóa nhân tạo ở thực phẩm trong vòng 5 năm. Dự thảo nêu rõ một số lượng lớn các xét nghiệm và bằng chứng cho thấy axit béo chuyển hóa có thể gây ra các bệnh mãn tính phổ biến ở người cao tuổi như bệnh tim mạch và tiểu đường, thậm chí vô sinh ở phụ nữ.
Theo bác sĩ Hà, để giảm thiểu tác hại của trà sữa, bạn nên:
Hạn chế uống trà sữa, nếu quá thèm chỉ nên uống 1-2 ly mỗi tuần. Thay vào đó, hãy chọn các thức uống lành mạnh hơn như nước lọc, trà thảo mộc, sữa chua, sinh tố trái cây.
Nên chọn loại trà sữa ít đường, ít béo và sử dụng sữa tươi thay vì sữa bột.
Tự làm trà sữa tại nhà để kiểm soát lượng đường, sữa và chất béo.
Kết hợp uống trà sữa với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên để bảo vệ sức khỏe.
PN (SHTT)