Anh N.V.T (34 tuổi, trú tại Phú Thọ) đến Viện Pháp y Quốc gia (Hà Nội) làm đơn xét nghiệm ADN cha - con. Khi tới Khoa Y - Sinh học, anh còn mặc nguyên bộ đồng phục cơ quan.
Người đàn ông đi làm xa nhà, mỗi năm chỉ có 1 tháng phép. Vợ anh làm y tá ở trạm y tế xã. Hai đứa con 7 và 3 tuổi đều do cô chăm sóc. Anh T. rất yêu chiều vợ, gửi gần hết lương cho vợ giữ. Mỗi lần về phép, anh lại đưa cả gia đình đi chơi.
Trong đợt nghỉ hè, anh dự tính đưa cả gia đình đi biển vài ngày. Tuy nhiên, suốt 10 ngày anh ở nhà, người vợ tỏ thái độ lạnh nhạt, không đồng ý đi du lịch. Mỗi lần gần gũi, cô tỏ ra khó chịu.
Anh còn nhận thấy vợ luôn khư khư giữ điện thoại và hay lén chạy ra đường nghe khi có người gọi đến. Thậm chí, cô mang cả điện thoại vào nhà vệ sinh. Hành động khác lạ của vợ khiến anh hoài nghi về sự chung thủy.
Hết phép, anh trở về cơ quan nhưng tâm trạng vẫn nặng nề. Anh tâm sự với người em họ về khúc mắc trong lòng. Lúc này, người thân mới nói về mối quan hệ mập mờ của vợ anh và người đàn ông trong xã. Hằng ngày, họ cùng nhau chạy bộ.
Trên trang cá nhân, vợ anh T. cũng chia sẻ nhiều hình ảnh chạy thể dục nhưng nhóm gồm chục người cả nam và nữ nên anh tin tưởng vợ, không lo lắng sẽ có gian tình.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh quyết định thuê một thám tử từ thành phố về theo dõi. Sau 1 tuần bám riết, họ chụp được ảnh vợ anh hẹn hò đi nhà nghỉ cùng người đàn ông đó.
Uất ức vì bị cắm sừng, anh T. nghĩ rằng mình sẽ ly hôn ngay lập tức. Tuy nhiên, nghĩ tới hai đứa con, anh lại đắn đo. Em họ khuyên anh nên làm xét nghiệm ADN xác minh huyết thống. Anh lấy mẫu móng tay của hai đứa trẻ gói vào hai túi nilon nhỏ, đánh dấu riêng từng cháu. Mẫu của anh do cán bộ của Khoa Y - Sinh học lấy trực tiếp tại viện.
Khi nhận kết quả, anh mong muốn cả hai đứa trẻ là con ruột của mình nhưng bản giám định huyết thống viết: Con trai lớn cùng huyết thống với anh, con gái 3 tuổi thì không. Cầm tờ phiếu, người đàn ông rất giận dữ, không muốn chấp nhận sự thật.
"Con gái là niềm tự hào của tôi, tôi chia sẻ mọi khoảnh khắc con lớn lên với bạn bè. Đứa trẻ luôn nói yêu bố nhất nhà nhưng sự thật lại không cùng huyết thống. Nếu ly hôn, tôi sẽ nhận cháu lớn, gửi ông bà nội nuôi giúp nhưng không nỡ xa con gái", người cha chia sẻ.
Chị Chu Thị Thủy, giám định viên pháp y về ADN, Khoa Y - Sinh học, Viện Pháp y Quốc gia (Hà Nội), cho biết khi nghe quyết định của anh mọi người trong phòng tư vấn đều khuyên người cha suy nghĩ thấu đáo để trẻ con ít tổn thương nhất. Gửi con cho ông bà nuôi chắc chắn không tốt bằng mẹ. Khi ra về, anh đã quyết định hai con do vợ nuôi sau ly hôn.
Theo chị Thủy, ngoài giám định ADN phục vụ cơ quan tố tụng và tổ chức, những năm gần đây, số người đến giám định ADN cá nhân tăng lên. Đây là nhu cầu thực của xã hội hiện đại.
Trong mối quan hệ gia đình, khi không còn niềm tin, mọi người sẽ tìm đến ADN để giải tỏa nghi ngờ. Chị Thủy cho biết đa số khách hàng là đàn ông. Họ muốn xét nghiệm huyết thống cha - con để xác định quyền nuôi con, đi nước ngoài, thủ tục khai sinh…
Khách hàng luôn mong đợi kết quả trùng với ý muốn của mình nhưng vẫn có những câu chuyện "dở khóc dở cười". Mỗi tờ kết quả ADN chính xác gần 100% là một mảnh đời, thậm chí cả tương lai, số phận đứa trẻ được giám định.
Theo Phương Thúy (VietNamNet)