Bà Lưu (Trung Quốc) luôn yêu quý cháu trai 6 tuổi của mình. Bà là người chăm sóc cháu thường xuyên nên cả ngày ở bên cháu. Hôm đó, siêu thị dưới nhà khai trương, có nhiều chương trình khuyến mãi nên bà Lưu cho cháu trai xuống đó để lựa những món đồ ngon và rẻ.
Khi xuống siêu thị, cháu trai nhìn thấy đông người thì rất háo hức, liên tục chạy nhảy. Bà liên tục nhắc nhở cháu phải cẩn thận, dặn cháu không được chạy lung tung.
Nhưng cháu trai vì quá thích thú nên đã quên lời bà dặn. Trong lúc bà Lưu đang chọn hoa quả thì cháu đã chạy ra chỗ khác. Bà rất lo lắng, chạy đi tìm cháu. Đột nhiên bà thấy một nhóm người tụ tập rất đông. Nhìn vào, bà thấy vỏ trứng và lòng trứng văng khắp nơi, trứng vỡ đầy trên sàn nhà. Nhìn một lúc, bà mới nhận ra, cháu trai của mình chính là người gây ra chuyện này, trang Sohu đăng tải.
Người bán hàng giận dữ, mắng đứa trẻ bằng những lời lẽ thậm tệ có phần xúc phạm và yêu cầu bà Lưu phải bồi thường gấp 10 lần giá trị. Bà tuy lo lắng nhưng bình tĩnh đáp: "Siêu thị vừa mới khai trương, đứa nhỏ tò mò chạy nhảy khi thấy đông người cũng là chuyện bình thường. Tôi nhận mình đã sai khi không quản lý cháu cẩn thận, để gây ra việc này, ảnh hưởng tới siêu thị. Nhưng tôi sẽ chỉ bồi thường đúng giá trị của món đồ và sẽ lau dọn chỗ này.
Trong đời ai cũng sẽ mắc sai lầm. Chúng ta là người lớn còn nhiều lần mắc sai lầm huống hồ một đứa trẻ. Tôi sẽ dạy lại cháu mình nhưng cô không nên dùng những lời lẽ xúc phạm như vậy để nói về một đứa trẻ. Cô cũng có con hoặc có cháu. Nếu con hay cháu cô cũng mắc lỗi như vậy, cô sẽ xử lý thế nào, cô có đau khi thấy người khác mắng mỏ chúng thậm tệ không?".
Sau lời nói của bà Lưu, nhân viên bán hàng bỗng lặng đi và bắt đầu tỏ vẻ hối lỗi. Cuối cùng cô chấp nhận đề nghị của bà Lưu, chỉ yêu cầu bồi thường theo giá gốc. Người cháu cũng nhận ra lỗi của mình và xin lỗi người bán hàng. Sau đó, bà Lưu thanh toán hóa đơn và rời siêu thị. Trên đường về nhà, bà kiên nhẫn dạy cháu phải dũng cảm thừa nhận lỗi lầm của mình để trở thành người tốt hơn.
Cách ứng xử của bà Lưu được nhiều người tán thưởng. Mắng mỏ, xúc phạm không phải là cách giải quyết sai lầm của đứa trẻ và có khi còn phản tác dụng. Đối với lỗi của cháu trai, bà Lưu đã không trách móc mà còn dùng giọng điệu và hành động bình tĩnh để dạy cho cháu một bài học về cuộc sống.
Những gì bà làm không chỉ để giải quyết vấn đề mà còn vì sự trưởng thành của cháu trai. Bà dạy cháu về trách nhiệm và lòng nhân ái. Bà dặn cháu rằng, mỗi khi mắc lỗi không được chạy trốn hay đổ lỗi mà phải dũng cảm thừa nhận sai lầm và tìm cách sửa chữa, đồng thời học cách bao dung, thấu hiểu, suy nghĩ vấn đề từ góc độ của người khác.
Cách dạy cháu của bà Lưu cũng là bài học sâu sắc về cách giáo dục con cái của các bậc làm cha mẹ.
Trước hết, cha mẹ hãy làm gương cho con cái bằng hành vi của mình.
Thứ hai, cha mẹ nên khuyến khích con cái đối diện với sai lầm và chịu trách nhiệm thay vì trốn tránh.
Cuối cùng, chúng ta phải là người nuôi dưỡng lòng nhân ái của con trẻ, để chúng học cách quan tâm và thấu hiểu người khác, để chúng hòa nhập tốt hơn với xã hội và trở thành người có giá trị.
Theo Tú Linh (VietNamNet)