Cụ thể, anh chồng trong câu chuyện chia sẻ câu chuyện của bản thân mình: "Giày mọi người đi bao nhiêu tiền vậy? Lấy vợ rồi tiền tiêu cũng không thoải mái nữa, mình mua đôi giày 2.150.000 đồng vợ cũng lèm bèm, gọi điện bắt đem trả nữa. Nhiều khi muốn độc thân cho xong. Kiếm tiền để tiền phục vụ mình chứ sao cứ phải khổ vì tiền anh em nhỉ?".
Trong phần tin nhắn mà anh này chia sẻ, cô vợ thắc mắc vì sao chồng có thể mua đôi giày hơn 2 triệu đồng cho bản thân, trong khi trước đó vợ nói mua sữa cho con thì anh bảo hết tiền và tiền nhà vẫn còn chưa đóng. Người chồng nêu quan điểm, tiền do anh làm ra nên anh có quyền tiêu theo ý mình mà không cần phải hỏi ý kiến ai hết.
Cô vợ nói chồng đi làm lương chỉ có 7 triệu đồng, trong khi đó phải trích 3 triệu đồng trả góp xe máy, nay chi hơn hai triệu mua giày, chỉ còn 2 triệu đồng thì làm thế nào. Kết thúc đoạn hội thoại, người chồng vẫn bảo vệ quan điểm của mình: "Tôi mua bằng tiền của tôi chứ không xin cô nha".
Khi chia sẻ câu chuyện trên mạng xã hội, người chồng giải thích thêm: "Mọi người đừng để ý vụ tiền sữa nha, vợ mình bán hàng ăn sáng có tiền mua sữa cho con rồi mà cứ vòi tiền mình thôi".
Câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ này thu hút gần 5 nghìn bình luận, hàng nghìn lượt like và chia sẻ. Nhiều người tỏ ra ngám ngẩm với người chồng, phê phán anh có mức thu nhập không bằng ai nhưng lại tiêu xài như con nhà giàu, không quan tâm vợ con sống thế nào.
Nhiều bình luận cho rằng anh quá ích kỷ, không xứng đáng là trụ cột gia đình: "Tưởng anh lương tháng 50 triệu đồng mua đôi giày hơn 2 triệu đồng mà vợ lèm bèm thì có lỗi với anh thật, nhưng với mức lương 7 triệu đồng mà anh làm thế thì vợ con anh ăn bằng gì?"; "Tôi lương chục triệu mua đôi giày 350 nghìn đồng còn nghĩ lên nghĩ xuống chưa dám mua đây này, ông mua hẳn đôi giày hơn 2 triệu đồng mà còn ở nhà thuê, vợ mắng cho là đúng chứ oan sai gì".
"Anh này thì chỉ biết lo cho bản thân trong khi con không có sữa uống. Đúng là lấy nhầm chồng khổ cả đời"; "Ôi đến tiền mua sữa cho con anh ấy cũng chẳng đưa, để mua giày đắt tiền cho mình mà vẫn dám bảo là vợ chỉ biết vòi tiền kìa, nghiễm nhiên coi chi phí nuôi con là trách nhiệm của vợ"...
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến đồng tình với người chồng: "Mọi người chỉ nhìn vào giá đôi giày, nếu anh chồng đó mua đôi giầy 2 triệu đồng mà đi được 5 năm thì tính ra tiết kiệm hơn mua đôi rẻ đấy chứ"; "Đúng là tôi cũng có quan điểm giống người chồng này, không biết giày của bạn rách chưa; giày của tôi rách rồi mà muốn mua đôi tốt tốt cũng đang hơi rén vì lương tôi cũng thấp như vậy"...
Những tranh luận của cư dân mạng cho thấy mâu thuẫn về quan điểm chi tiêu như cặp vợ chồng này phổ biến ở nhiều gia đình. Trong khi một người có xu hướng tiết kiệm thì người kia muốn chi tiền rộng rãi để đáp ứng các nhu cầu. "Người tiết kiệm" luôn bất bình vì cảm thấy đối phương quá phung phí, không biết lo cho tương lai, còn "người chi tiêu" ức chế vì nghĩ mình bị kiểm soát, tiền mình làm ra mà không được tự do sử dụng.
Trước thực tế này, một số người khuyên đôi vợ chồng trẻ nên bình tĩnh trò chuyện, trao đổi một cách chân tình và thẳng thắn để tìm tiếng nói chung trong vấn đề tài chính gia đình. Một số chị em cho rằng trong hai vợ chồng, ai có trách nhiệm với con cái hơn thì sẽ lo lắng về tiền sữa, bỉm của con hơn là giày dép của bản thân, nhưng ép bạn đời chi tiêu theo ý mình cũng khó, nên tốt nhất là cố gắng tự kiếm tiền đủ lo cho con để khỏi phải trông đợi vào người khác.
NT (SHTT)