Mới đây, một bà mẹ ở Hà Nội chia sẻ câu chuyện giản dị nhưng vô cùng đáng yêu, thu hút hàng chục ngàn lượt yêu thích. Chị kể: "Chiều nay lúc cho con gái mình xuống sân đi dạo, có một anh tầm 9 - 10 tuổi đi qua, mặc bộ đồng phục ướt sũng chắc vừa đi học về. Anh đi qua xe của Bơ (tên con gái chị) rồi quay lại hỏi: "Em gái phải không cô?".
Được sự đồng ý của mình, anh cũng chỉ nhẹ nhàng vuốt má Bơ, rồi bảo: "Em lớn lên chắc xinh lắm đấy. Em gái con ngày xưa cũng mập vậy bây giờ lớn rồi xinh lắm!".
Trời ơi, tim mình còn lỡ một nhịp vì ngọt ngào quá. Cái cách anh nói về em gái mình và cách anh cư xử dịu dàng với Bơ. Mình thầm cảm ơn, ngàn lần cảm ơn bố mẹ nào đã nuôi dạy một người con trai lễ phép và đáng yêu tới vậy".
Đằng sau mỗi đứa trẻ ấm áp có một gia đình tử tế
Nhiều người nhận định, một ông anh còn nhỏ tuổi nhưng yêu chiều em gái như thế, chắc chắn là có ảnh hưởng từ người bố về cư xử dịu dàng với phụ nữ. Cha mẹ hẳn cũng rất chú trọng việc vun bồi tình cảm của các con trong gia đình.
Chưa kể, cách con xin phép rồi vuốt má, khen ngợi em cho thấy cách giáo dục cẩn thận của gia đình, lớn lên cũng chắc chắn là người lịch thiệp, văn minh. Bố mẹ nào cũng mong muốn con mình sau này sẽ trở thành một người có trái tim ấm áp, biết yêu thương, cảm thông và biết sẻ chia như thế.
Một số phụ huynh cũng "tranh thủ" khoe tình cảm khắng khít của con cái mình: "Anh cu con 5 tuổi nhà mình ngày nào cũng ngắm nhìn em gái rồi nói "mẹ ơi, sao em dễ thương quá vậy mẹ? Con thấy em dễ thương nhất trên đời này". Sáng ra được nghe câu chuyện của bạn thật ấm áp, nhiều năng lượng. Mong là có nhiều chàng trai ấm áp như vậy"; "Mình cũng may mắn đủ nếp đủ tẻ. Hai anh em rất yêu thương nhau, anh trai yêu chiều cô út lắm luôn"; "Anh trai thường cưng em gái mà! Nhưng ít cậu nào thể hiện và bày tỏ bằng lời thôi"...
Có một câu nói thế này: "Cái người mà thời nhỏ là chuyên gia phản bội, mách tội mình với cha mẹ lại là người chia sẻ nỗi đau và sự khó khăn của mình thật lòng khi đã lớn. Đó là anh chị em ruột". Câu này thật chính xác vô cùng.
Chuyện xung khắc giữa anh chị em trong một nhà không phải hiếm gặp ở nhiều gia đình hiện nay dù biểu hiện có khi âm thầm, có khi ra mặt. Tuy nhiên, dù đôi khi "cơn không lành canh không ngọt" thì anh chị em vẫn là anh chị em, lúc cần cũng ngọt ngào và yêu thương nhau lắm. Nhất là những cô bé có anh trai, chắc hẳn sẽ luôn được yêu thương, cưng chiều như công chúa nhỏ.
Dù vậy, cha mẹ cũng cần lưu ý: Trong một gia đình có hai con, rất dễ nảy sinh cảm giác cạnh tranh giữa những đứa trẻ. Con út là "kẻ thù tưởng tượng", là "đối tượng được thiên vị" mà con lớn luôn ám ảnh. Còn con lớn lại là "thủ lĩnh" mà con út cố gắng bắt kịp.
Cha mẹ đừng so sánh mà hãy tìm ra điểm mạnh của mỗi đứa trẻ. Hãy cố gắng khen ngợi ưu điểm của từng đứa, khiến trẻ nhận ra mình là duy nhất, từ đó xây dựng mối quan hệ hòa thuận với nhau. Đừng vô lý ép buộc "con lớn phải nhường em". Mỗi đứa trẻ đều có nhu cầu cá nhân, đừng bắt con bỏ qua nhu cầu, cảm xúc của mình để nhường em một cách miễn cưỡng.
Chỉ cần cha mẹ giỏi nắm bắt những chi tiết nhỏ trong cuộc sống và cố gắng tạo nhiều cơ hội giúp vun đắp tình thân giữa con cái thì bầu không khí gia đình sẽ hòa thuận, đầm ấm.
Theo Hiểu Đan (Phụ Nữ Mới)