Biết nhân tình của chồng có thai, vợ bình tĩnh làm ngay việc này
Đại tá Hà Quốc Khanh, nguyên Giám đốc Trung tâm Giám định ADN, Phó Viện trưởng Viện khoa học hình sự, Bộ Công an, hiện là cố vấn cao cấp tại GENTIS cho biết, trong quá trình tiếp nhận khách hàng tới xét nghiệm ADN, ông đã từng gặp một số trường hợp xét nghiệm quan hệ huyết thống khi em bé còn trong bụng mẹ. Cũng đã có rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười được hé lộ ngay khi có kết quả xét nghiệm.
Anh Lâm (*), hiện đang là giám đốc của một doanh nghiệp, đã có vợ và cả hai đã sinh được 3 người con. Tuy nhiên, anh Lâm lại "cảm nắng" với một cô gái trẻ, kém anh 18 tuổi. Anh đã hẹn hò bí mật với người tình bé nhỏ sau lưng vợ.
Sau khoảng hơn một năm qua lại, bỗng một ngày cô gái gửi hình ảnh siêu âm thai cho anh Lâm và báo tin vui. Biết nhân tình có thai, lại tình nguyện sống không danh phận nên anh Lâm càng yêu chiều cô hơn.
Tuy nhiên, cô nhân tình đã yêu cầu anh Lâm mua nhà mới đứng tên cô, mỗi tháng chu cấp một khoản tiền để chăm lo cho cuộc sống của hai mẹ con.
Ngay sau đó, chị Hương (*), vợ anh Lâm cũng biết chuyện anh ngoại tình. Thế nhưng, thay vì đánh ghen, trách móc chồng, chị tỏ ra rất bình tĩnh. Chị nói chuyện với chồng để biết thực hư sự việc. Trong cuộc nói chuyện, anh Lâm đã thừa nhận mọi chuyện và mong được vợ tha thứ.
Bằng sự nhạy cảm của một người phụ nữ, chị Hương nghi ngờ cái thai của cô gái kia không phải con của chồng. Lý do là vì trước đó, anh chị cũng khá khó khăn để có con và anh Lâm có vấn đề về sức khỏe sinh sản. Để sinh được 3 đứa con, anh chị đều phải làm IVF.
Chị Hương cùng anh Lâm đã hẹn gặp cô nhân tình và yêu cầu làm xét nghiệm ADN cái thai trong bụng. Lúc này, cô gái nói muốn chờ đứa trẻ sinh ra mới làm xét nghiệm vì sợ ảnh hưởng tới em bé. Ý kiến này cũng được anh Lâm tán thành.
Tuy nhiên, chị Hương đã tìm hiểu kỹ từ trước và biết được rằng hiện nay, xét nghiệm ADN cho thai nhi rất đơn giản, dễ làm và không hề gây ảnh hưởng tới đứa bé trong bụng.
Cô gái liên tục tìm lý do để thoái thác việc xét nghiệm ADN, đồng thời đề nghị anh Lâm phải chu cấp tiền đến lúc đứa trẻ chào đời.
Trước thái độ ngần ngại, tìm đủ mọi lý do để không phải xét nghiệm ADN của cô gái, anh Lâm bắt đầu nảy sinh nghi ngờ và yêu cầu cô phải đi xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm đúng là con anh thì anh sẽ có trách nhiệm.
Cả 3 người tới gặp chuyên gia xét nghiệm ADN để nhận tư vấn trước khi quyết định làm xét nghiệm. Sau khi nghe chuyên gia tư vấn xong, cô gái trẻ đã không giấu được sự lo lắng. Cô thừa nhận đứa trẻ trong bụng không phải là con của anh Lâm.
Chị Hương tâm sự, khi biết chồng ngoại tình, chị cũng đã rất tức giận. Sau đó, chị cũng bình tâm suy nghĩ, xâu chuỗi mọi vấn đề. Chị lựa chọn không làm căng mọi chuyện vì không muốn gia đình tan vỡ.
"Bản thân tôi không cao thượng và cũng không dễ dàng tha thứ cho chồng. Tôi làm mọi thứ chỉ vì các con, tôi muốn các con sống trong gia đình có đủ bố mẹ", chị Hương nói.
Xét nghiệm ADN thai nhi từ máu của người mẹ
Theo ông Khanh, hiện nay, với những kỹ thuật hiện đại trong xét nghiệm ADN, các chuyên gia hoàn toàn có thể thực hiện xét nghiệm huyết thống cha-con mà không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Từ tuần thai thứ 7, các chuyên gia đã có thể tiến hành xét nghiệm ADN trước sinh không xâm lấn thông qua máu của người mẹ.
Về việc lấy máu của người mẹ để xét nghiệm ADN cho thai nhi, ông Khanh giải thích, khi mang thai, trong máu của người mẹ sẽ xuất hiện các ADN tự do của thai nhi (hay còn gọi là cell free fetal DNA – cffDNA). Với công nghệ xét nghiệm mới nhất hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể phân tích được các ADN tự do của thai nhi trong máu của người mẹ, từ đó giúp xác định mối quan hệ huyết thống cha-con trước sinh không cần xâm lấn, đảm bảo an toàn 100% cho mẹ và bé.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Theo Ngọc Minh (Nguoiduatin.vn)