Tôi tên là Lục Hữu Kiều (Trung Quốc). Tôi sinh ra trong một gia đình hạnh phúc với đủ đầy cả bố và mẹ. Tuy nhiên, đến năm tôi 2 tuổi, bố bị tai nạn và qua đời. Kể từ đó, mẹ con tôi sống nương tựa vào nhau.
Vừa là mẹ, vừa là cha, bà đã một mình vất vả nuôi tôi khôn lớn. Mẹ phải làm đủ nghề nhằm có tiền cho tôi có cuộc sống đủ đầy. Để con gái có điều kiện sống tốt nhất, có thời điểm tôi thấy mẹ làm 1 lúc đến 2 công việc.
Sau 8 năm chỉ có 2 mẹ con, đến năm tôi 10 tuổi, mẹ đi bước nữa. Bà tái hôn với một ông chủ đang điều hành nhà máy chế biến ở ngay trong làng.
Cha dượng tôi đã có 2 người con, một chị gái hơn tôi 5 tuổi và một cậu con trai nhỏ hơn tôi 3 tuổi. Sống trong gia đình rạn nứt tình cảm, 2 con của cha dượng tôi khá nghịch ngợm và bướng bỉnh. Dẫu tôi cố gắng để hoà hợp nhưng dường như không thể.
Có lần con trai của dượng làm vỡ cốc thuỷ tinh và không may bị chảy máu. Người chị đã vu oan nói rằng tôi làm vỡ khiến người em này bị thương. Dẫu biết không phải lỗi của tôi song trước mặt các con của dượng, mẹ đã mắng tôi rất nhiều.
Sống trong sự bất công gần 8 năm, đến năm 18 tuổi, tôi lên thành phố học đại học. Còn 2 người con của cha dượng lần lượt được vào nhà máy làm việc với những vị trí chủ chốt. Sau 4 năm học đại học, tôi may mắn xin được 1 công việc và bám trụ ở thành phố.
Đến năm 2022, cha dượng của tôi đột ngột lâm bệnh nặng, nằm liệt giường. Những ngày ông còn phải nằm viện, chị và cậu em rất ít vào thăm bố. Họ chỉ vào viện vài phút là rời đi. Ai cũng lấy lý do bận công việc.
Nhìn thấy người cha dượng không có ai chăm sóc, tôi đã tự thu xếp công việc để có thể thời gian qua viện với ông. Đến nỗi y tá tưởng tôi là con ruột. Thời gian ông nằm viện kéo dài, nhiều lúc, tôi tự bỏ tiền túi của mình để thuê người hỗ trợ công việc này.
Một mình chăm sóc cha dượng được gần 1 năm, cuối năm 2023, tôi được bác sĩ phụ trách gọi vào phòng riêng. Vị này thông báo rằng gia đình tôi nên đưa ông về nhà. Bởi ông khó qua khỏi.
Về nhà được khoảng 2 ngày, cha dượng tôi mất. Khi ông qua đời, tôi tưởng chị và người em trai sẽ chìm đắm trong đau buồn. Song thực tế hoàn toàn trái ngược với những gì tôi tưởng tượng.
Họ không những không lo hậu sự cho ông cụ mà chỉ mải mê tranh giành xưởng sản xuất của cha để lại. Tuy nhiên không ngờ vừa bước đến cổng của xưởng chế biến, 2 người này đã bị đuổi ra ngoài.
Sau khi lo xong mọi việc cho cha dượng, luật sư đã có mặt tại nhà tôi để giao lại di chúc cho gia đình. Ngày hôm đó, tất cả các thành viên trong nhà đều có mặt đông đủ, bao gồm mẹ tôi và 2 người con của cha dượng. Có lẽ, người háo hức nhất là người chị và cậu em này. Dường như ai cũng chắc chắn rằng nhà xưởng mà cha dượng để lại sẽ được chia đôi cho 2 người.
Song khi luật sư đọc nội dung bản di chúc, tôi đã không tin vào những gì mình nghe được. Cha dượng đã thừa kế toàn bộ nhà máy với tổng giá trị lên đến 8 triệu NDT cho 1 mình tôi.
“Khi sắp qua đời, ông ấy đã mời chúng tôi đến để lập bản di chúc này. Tôi đã hỏi kỹ về việc từ chối trao lại tài sản cho 2 người con ruột. Ông cụ đã khẳng định mình đủ tỉnh táo để biết nên trao tài sản này cho ai. Sau đó, ông cụ dứt khoát ký vào bản di chúc mà không chút lăn tăn”, vị luật sư này chia sẻ lại.
Sau khi nghe những lời này, tôi oà khóc lên như 1 đứa trẻ. Dẫu không là người sinh ra tôi nhưng trong suốt những năm tháng ở bên ông, tôi cũng cảm nhận được hơi ấm của tình phụ tử. Ông ít khi bày tỏ tình cảm song mọi hành động dành cho tôi đều xuất phát từ tình thương. Chính vì thế, trong suốt những ngày ông nằm viện, tôi biết mình cần làm gì để báo đáp. Nên việc tôi chăm sóc ông không vì mong muốn sẽ được thừa kế tài sản.
Song đúng như những gì nhiều người vẫn thường nói miễn chúng ta tử tế với mọi người. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ được đón nhận lòng tốt từ thế giới này.
Theo Đinh Anh (Phụ Nữ Số)