Chưa có sự đồng ý, bà nội đã đưa cháu trai sang nhà hàng xóm dạo chơi trong khi căn nhà vẫn chưa được hoàn thiện xong. Cửa sổ phòng khách chưa được lắp kính, cháu trai 3 tuổi vô tình rơi từ tầng 20 xuống tử vong, gia đình đau buồn và kiện người hàng xóm ra tòa, cho rằng sự bất cẩn của hàng xóm đã gây ra thảm kịch cho con họ, và phải đòi bồi thường ít nhất 1 triệu NDT (hơn 3,4 tỷ đồng).
Phía hàng xóm lại cho rằng lỗi thuộc về người bà vô trách nhiệm, khiến vụ án mạng xảy ra tại căn nhà mới, biến nó thành “hung trạch” xui xẻo. Do đó phía gia đình đứa bé phải chịu trách nhiệm bồi thường ngược lại.
Chuyện gì đã xảy ra?
Chuyện xảy ra tại một khu chung cư ở Trung Quốc. Bà Lý ở nhà một mình với cháu trai cảm thấy buồn chán nên đã đưa sang nhà hàng xóm chơi, xem căn hộ của họ được trang trí như thế nào.
Hàng xóm không có ở nhà nhưng cửa mở, bà Lý thấy vậy nên đã dắt cháu vào xem.
Vừa bước vào nhà hàng xóm, đứa bé 3 tuổi đi thẳng ra ban công, duỗi tay bám vào thành cửa sổ ngắm cảnh bên ngoài nhưng kính ban công vẫn chưa được lắp đặt, cháu bé đã bị ngã từ tầng 20 tử vong.
Chứng kiến đứa cháu trai quý giá của mình ra đi tức tưởi, bà Lý đã khóc rất đau lòng, vội vàng gọi cho con trai và con dâu lúc đó đang đi làm.
Cái chết của đứa trẻ khiến cả gia đình rơi vào suy sụp, bà Lý càng tự trách mình nhiều hơn.
Mẹ của đứa trẻ tin rằng đó là trách nhiệm của người hàng xóm và yêu cầu bồi thường 1 triệu NDT.
Cô cho rằng lỗi lầm to nhất là họ đã không khóa cửa đàng hoàng trong khi nhà vẫn chưa hoàn thiện xong. Nếu cửa được khóa thì chuyện xấu đã không xảy ra.
Vì vậy, mẹ của đứa trẻ tin rằng mọi thứ đều là lỗi của gia đình hàng xóm và người hàng xóm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về cái chết của con trai mình. Theo đó, họ phải bồi thường 1 triệu NDT để trả giá cho sự bất cẩn.
Đối với lời buộc tội của bố mẹ đứa trẻ, hàng xóm phản bác kịch liệt.
Bà của đứa trẻ đã đưa cháu trai đến nhà mà không có sự cho phép của họ, đó đã là một sự xâm phạm. Ai biết được hai người họ có đến nhà để ăn cắp thứ gì đó hay không.
Ngôi nhà là nơi thuộc sở hữu riêng, nó không phải là một nơi công cộng để ai muốn vào thì vào.
“Việc nhà của tôi được hoàn thiện hay chưa, được trang trí như thế nào thì liên quan gì đến họ mà phải vào xem?”, chủ nhà lên tiếng.
Về lý do tại sao cửa không đóng và khóa cửa, đó là vì có một họa sĩ đang làm việc trong phòng.
“Bây giờ ngôi nhà tôi mới mua với giá hàng triệu NDT vẫn chưa được hoàn thiện xong mà đã trở thành một ngôi nhà ma, liệu ai chịu trách nhiệm cho chuyện này để đền bù cho chúng tôi?”.
Đôi bên không ai chịu thua ai, bên nào cũng có lý lẽ riêng. Để phân trần trắng đen, họ đã mời luật sư phân tích tình hình trước khi đưa vụ việc ra tòa.
Luật sư La của Công ty Luật Kim Châu Hồ Nam cho biết: Trong trường hợp này, người giám hộ đã không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ đứa trẻ và phải chịu trách nhiệm chính. Mặt khác, chủ nhân của ngôi nhà đã không bảo đảm đúng cách sự an toàn liên quan đến ban công, để lại mối nguy hiểm lớn và không nhắc nhở trẻ kịp thời sau khi vào phòng, vì vậy họ cũng phải chịu một số trách nhiệm thứ yếu.
Sau khi nghe luật sư cho ý kiến, gia đình đứa trẻ ngay lập tức tràn đầy tự tin và tin tưởng, nói rằng họ sẽ thu thập bằng chứng để kiện chủ nhà ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Theo Trung Hạ (Phụ nứ mới)