Năm 2024 là năm Giáp Thìn (năm con rồng) và khi nhắc tới linh vật này nhiều người thường nghĩ ngay đến câu nói “ăn như rồng cuốn”. Thực chất câu nói này dùng để chỉ những người ăn nhiều, hoặc ăn uống vô độ. Trong thực tế cũng có không ít người có sức ăn rất khỏe, họ có thể “ăn sập” hàng quán, ăn không biết no theo đúng nghĩa “ăn như rồng cuốn”. Thậm chí, trên một số trang mạng xã hội cũng xuất hiện một số nhân vật ăn rất nhiều, ví dụ như ăn hết vài kg thịt lợn, ăn hết mấy chục quả trứng vịt lộn hay ăn vài chục bát tiết canh…
Vậy trong dịp Tết Giáp Thìn này, mọi người có nên “ăn như rồng cuốn” để cả năm gặp nhiều may mắn hay không? Các chuyên gia dinh dưỡng đều cho rằng, nếu không phải là một cuộc thi, mà chỉ là trong cuộc sống hàng ngày, mọi người không nên ăn như “rồng cuốn”. Dù sức có thể ăn được nhưng khi ăn quá nhiều loại thức ăn, hoặc ăn quá nhiều cùng một lúc sẽ đều gây hệ lụy với sức khỏe.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nhu cầu cung cấp dinh dưỡng của mỗi người là khác nhau, điều này dựa vào tuổi tác, giới tính, chiều cao, cân nặng và cả công việc hàng ngày của mỗi cá thể. Do vậy, việc nạp đồ ăn vào cơ thể sẽ phải dựa vào nhiều yếu tố, trung bình sẽ khoảng 2.000-2.500 KCal/ngày.
Đặc biệt, trong dịp nghỉ Tết đa số mọi người đều dừng các hoạt động làm việc, vận động để tập trung ăn chơi, vì thế năng lượng nạp vào cũng phải tính toán cho phù hợp. Đa số là cần phải cắt giảm nhu cầu, vì trong những ngày Tết năng lượng tiêu hao không nhiều.
Trường hợp vì yêu thích món ăn, vì vui hay vì giải trí mà ăn quá nhiều, hay còn gọi là “ăn như rồng cuốn”, khi đó sẽ để lại nhiều hệ lụy. Theo PGS Nguyễn Thị Lâm, vấn đề đầu tiên là ăn nhiều sẽ dẫn tới dư năng lượng, gây thừa cân béo phì. Ngoài ra, viêc ăn nhiều thực phẩm dẫn tới hệ tiêu hóa ảnh hưởng, có thể gây tiêu chảy hoặc táo bón.
Đặc biệt, ăn quá nhiều thức ăn, nhất là thức ăn giàu đạm sẽ gây gánh nặng cho gan và thận. Bởi khi đạm nạp vào cơ thể sẽ được tích trữ ở gan, đào thải qua thận, vì thế nếu ăn nhiều sẽ gây dư thừa chất, tăng gánh nặng cho các cơ quan này.
Thậm chí, PGS Lâm còn cảnh báo, với những người có sức khỏe, ăn mãi không no cũng không nên vội mừng, bởi nhiều khả năng họ bị vấn đề liên quan đến nội tiết, chuyển hóa khiến cơ thể lúc nào cũng đói, lúc nào cũng có nhu cầu ăn. Hoặc cũng có thể hệ tiêu hóa có vấn đề, khi chúng không thể hấp thu thức ăn vào cơ thể. Đây đều là những vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe, vì thế nếu ai đang ở trong tình trạng này sẽ cần phải lưu ý, đi khám để phát hiện bất thường nếu có.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám, tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) thì cho rằng, việc ăn như rồng cuốn ý chỉ những người ăn nhiều, điều này có thể sẽ giúp họ cảm thấy vui, giảm được căng thẳng nhất là trong ngày Tết. Tuy nhiên, xét dưới góc độ dinh dưỡng thì không nên ăn theo kiểu này.
“Thực tế, trước mỗi dịp nghỉ Tết chúng ta nói rất nhiều về viêc sử dụng thực phẩm, chế độ ăn lành mạnh. Vì thế, việc ăn quá nhiều thực phẩm, đặc biệt lại ăn không cân đối trong ngày Tết là không nên, đây không phải chế độ ăn lành mạnh và không khuyến khích mọi người ăn kiểu này”, bác sĩ Hưng cho hay.
Để Tết Giáp Thìn được an toàn, khỏe mạnh, mọi người nên ăn đủ bữa, đúng giờ và không nên ăn vặt quá nhiều. Trong mỗi bữa cần ăn nhiều loại thực phẩm nhưng ít về số lượng. “Sự đa dạng thực phẩm là rất tốt cho sức khỏe, nhưng đa dạng không có nghĩa ăn thật nhiều các loại thực phẩm khác nhau. Điều quan trọng nhất vẫn là điều độ”, bác sĩ Hưng khuyên.
Theo Lê Phương (Phụ nữ & Pháp luật)