Thói quen ăn xong là uống ngay tách trà nóng có tốt không?

12/01/2024 11:27:56

Trà là thức uống quen thuộc của nhiều người Việt, thậm chí còn là nước uống tráng miệng ngay sau bữa ăn. Vậy thói quen này có thực sự tốt không?

Trà xanh là thứ đồ uống quen thuộc của người Việt. Trà xanh nổi tiếng trên toàn thế giới với công dụng tăng cường chất chống oxy hóa, giảm béo, hỗ trợ bệnh nhân tim mạch, giảm mức cholesterol, tốt cho tim, não, hỗ trợ tiêu hóa đến chống ung thư. Với công dụng nổi bật nên trà xanh trở thành thức uống được nhiều người ca ngợi là thức uống trường thọ.

Tại Việt Nam trà xanh là thứ đồ uống truyền thống từ nhiều năm nay. Nhiều người có thói quen ăn xong là pha một tách trà. Ngoài hàng ăn thì nhiều hàng có trà để ăn xong là khách thưởng thức trà. Nhiều người ăn phở bún miến xong cũng sang hàng trà uống cốc trà đá trà nóng mới xong thủ tục ăn uống.

Uống trà sau bữa ăn giúp cảm giác tráng sạch miệng nên nhiều người thích dùng. Tuy nhiên, liệu thói quen này có thực sự tốt không?

Thói quen ăn xong là uống ngay tách trà nóng có tốt không?
Ảnh minh họa: Internet

Sau đây, báo Thanh Niên dẫn thông tin theo chuyên gia dinh dưỡng Lovneet Batra ở Ấn Độ, chia sẻ về cách dùng trà sao cho có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhất.

Chuyên gia Batra cho biết: Uống trà sau bữa ăn có thể hỗ trợ tiêu hóa và giúp giảm đầy hơi. Các chất chống oxy hóa, đặc biệt là catechin, có tác dụng tăng cường trao đổi chất và cải thiện hiệu quả tiêu hóa tổng thể.

Theo các nghiên cứu, uống trà sau bữa ăn giúp giảm đầy hơi, nhờ trà chứa hàm lượng cao polyphenol và chất chống oxy hóa giúp điều trị chứng khó tiêu. Trà cũng có chất chống viêm mạnh mẽ giúp giảm các biến chứng tiêu hóa. Một số hợp chất polyphenolic như catechin làm tăng hoạt động của các men tiêu hóa trong khi pepsin giúp phân hủy protein trong thức ăn.

Tuy nhiên, thưởng thức ngay tách trà sau bữa ăn cũng có thể không có lợi hoàn toàn như bạn nghĩ. Tannin có trong trà có nhiều tác dụng phụ. Chất này cản trở sự hấp thu nhiều khoáng chất bao gồm sắt, kẽm và canxi (làm chậm quá trình hấp thu). Từ đó có thể dẫn đến thiếu hụt các khoáng chất này, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Ngoài ra, hàm lượng caffeine trong trà cũng có thể cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng trong hệ tiêu hóa. Cân nhắc tất cả các ưu và nhược điểm, tốt nhất không nên uống trà gần bữa ăn một cách thường xuyên.

Tiến sĩ D Raghunatha Rao, làm việc tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia ICMR (Ấn Độ), khuyên nên đợi ít nhất 15 - 20 phút, tốt nhất là 1 giờ sau khi ăn rồi hãy uống trà. Ông Rao cho biết tốt nhất nên tránh uống trà 1 giờ trước và sau bữa ăn vì tannin trong trà cản trở sự hấp thu chất sắt.

Những việc cần tránh khi uống trà xanh

Uống trà xanh lúc nóng: Nhiệt độ cao không những làm mất vị trà xanh mà còn làm hại đến dạ dày và họng của bạn. Tốt nhất hãy dùng trà xanh ấm.

Uống trà lúc đói: Trà xanh chứa các chất chống oxi hóa mạnh và polyphenols giúp tăng sản xuất axit dạ dày và ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa. Vì vậy, lý tưởng nhất là hãy uống trà xanh giữa các bữa ăn.

Thói quen ăn xong là uống ngay tách trà nóng có tốt không? - 1
Ảnh minh họa: Internet

Thêm mật ong vào trà xanh: Các chất dinh dưỡng trong mật ong có thể bị phá hủy khi cho vào bình trà xanh đang sôi. Vì vậy, hãy để trà nguội một chút rồi chúng ta có thể thêm chanh, mật ong để trà xanh thêm ngon.

Uống thuốc cùng trà xanh: Điều này có thể gây hại vì các thành phần hóa chất trong thuốc hòa tan với trà xanh tạo nên dung dịch có tính axit. Vì vậy, hãy chỉ nên dùng thuốc với nước thông thường.

Sử dụng quá nhiều: Trà xanh chứa chất caffein. Uống quá nhiều caffein trong ngày có thể gây đau đầu, mệt mỏi, uể oải, lo âu, kích thích. Ngoài ra, lượng lớn trà xanh cũng có thể gây giảm hấp thu sắt trong cơ thể. Vì vậy, chúng ta hãy giới hạn dùng khoảng 2-3 tách trà mỗi ngày.

Ngâm trà xanh quá lâu: Hành động này không giúp tăng lượng dinh dưỡng từ lá trà, mặc khác còn làm vị trà trở nên đắng hơn.

Sử dụng nhiều trà cùng lúc: Với suy nghĩ sử dụng cùng lúc hai túi trà xanh sẽ giúp tiêu thụ nhiều năng lượng và giảm cân tốt hơn, nhưng điều đó đồng nghĩ với việc có thể gây rối loạn tiêu hóa và tăng lượng axit trong dạ dày.

Uống trà xanh trước khi ngủ: Caffeine trong trà có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, thông qua tác động đến các thụ thể adenosine – một chất ảnh hưởng đến giấc ngủ, trí nhớ và học tập. Để tránh bị mất ngủ, việc sử dụng trà nên cách xa giấc ngủ đêm khoảng 6 giờ.

HL (SHTT)