GS.TS Bùi Công Hiển - Chuyên gia đầu ngành về côn trùng học, nguyên giám đốc Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, việc sử dụng châu chấu làm thức ăn đã được thực hiện từ lâu, nhất là ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc.
Thời gian gần đây, loại côn trùng này được “xuống phố” và đưa vào các quán nhậu, nhà hàng, dần trở thành món đặc sản với giá thành không hề rẻ. GS Hiển cho biết, sở dĩ món ăn này rất hút khách và có giá khá cao là vì số lượng không nhiều, thường xuất hiện theo mùa và khi ăn rất giòn ngon, béo ngậy. Ngoài giá trị dinh dưỡng, nếu biết cách chế biến châu chấu có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh cho cả trẻ nhỏ và người trưởng thành.
Theo đó, châu chấu có tên đông y là trách mãnh đều thuộc họ Acrididae, bộ cánh thẳng. Về giá trị dinh dưỡng, chấu chấu có lượng canxi và protein khá cao, cứ 100gram châu chấu có tới 24,3% protid, 3,6% lipid, 210mg canxi, 270mg photpho, 0,4mg sắt và cung cấp 113 calo. Đáng chú ý, lượng canxi có trong châu chấu cao gấp khoảng 10 lần so với thịt gà, thịt lợn.
Về phương diện đông y, lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y Ba Đình) cho biết, châu chấu là côn trùng quen thuộc và gần đây được sử dụng nhiều để làm món ăn. Trong đông y, châu chấu có vị ngọt, cay, tính ấm và có tác dụng bồi bổ cơ thể, bình suyễn, trấn kinh… Có thể dùng châu chấu để điều trị suy dinh dưỡng, kinh phong ở trẻ em, hỗ trợ điều trị.
Lưu ý khi ăn châu chấu rang
Dù có giá trị dinh dưỡng và là món ăn khoái khẩu, được nhiều người ưa thích nhưng khi chế biến cũng cần phải đặc biệt lưu ý để tránh những hệ lụy đối với sức khỏe.
“Trước khi sử dụng châu chấu, người dân cần lựa chọn kỹ lưỡng, loại bỏ các tạp chất, tuyệt đối không ăn những con châu chấu đã bị chết, có mùi hoặc màu sắc lạ. Bởi châu chấu khi chết sẽ bị phân hủy rất nhanh vì trên cơ thể có sẵn các loại vi khuẩn, nấm vì thế nếu tiếc rẻ hoặc cố tình ăn dễ bị ngộ độc”, GS Hiển khuyến cáo.
Ngoài việc tuyệt đối không ăn chấu chấu đã chết, ngay cả với chấu chấu còn tươi, đang sống GS Hiển cho rằng cũng người dân cần lưu ý về cách sơ chế. Nguyên nhân là do châu chấu sống ngoài môi trường, dễ có các vi sinh vật ký sinh trên cơ thể, chính các loại vi sinh vật ký sinh này có thể làm cho châu chấu chết hàng loạt.
Bởi vậy, khi bắt được châu chấu về cần rửa với nước sạch, sau đó dùng nước muối, cồn nhẹ hoặc rượu ngâm lại với mục đích vừa loại bỏ tạp chất, vừa loại bỏ vi sinh vật ký sinh.
Một vấn đề GS Hiển cũng khuyến cáo người dân là khi ăn châu chấu không nên vì ngon, vì là món đặc sản mà ăn quá nhiều cùng một lúc, đặc biệt là những người mới ăn lần đầu.
“Châu chấu cũng như các loại thực phẩm khác, có người ăn không sao nhưng có người ăn vào sẽ bị dị ứng, điều này phụ thuộc vào cơ địa mỗi người. Do vậy, khi ăn cần phải nghe ngóng cơ thể, ăn từ từ, vừa ăn, vừa theo dõi để tránh dị ứng, ngộ độc.
Hơn nữa, đây là món ăn xuất hiện không nhiều và thường xuyên trên bàn ăn của mỗi gia đình mà đa số là món nhậu, nên mọi người cũng chỉ nên ăn thưởng thức, không nên ăn lấy no. Bởi khi thực phẩm lạ vào cơ thể, các hệ men tiêu hóa chưa thích ứng ngay có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn”, GS Hiển nói.
Cuối cùng, khi dùng châu chấu, mọi người nên chọn loại châu chấu có màu xanh hay còn gọi là châu chấu lúa, tránh những loại côn trùng, chấu chấu lạ, ví dụ như loại châu chấu có màu nâu, hay còn gọi là châu chấu ma. Loại châu chấu này không được khuyến cáo sử dụng vì có thể chứa độc tố, gây ngộ độc. Tuy vậy, đây là vấn đề chưa được nghiên cứu một cách rõ ràng.
Bảo Ngọc (SHTT)