Ai không nên ăn yến sào?

06/05/2024 09:57:40

Yến sào là thực phẩm cực kỳ bổ dưỡng nhưng với một số người, do thể trạng hoặc do mắc một số bệnh, ăn yến sào có thể gây hại cho sức khoẻ.

Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), trong Đông y, yến sào vị ngọt, tính bình, vào phế, vị và thận. Tổ yến tác dụng dưỡng âm nhuận táo, bổ trung ích khí, bổ thận sinh tinh, kiện tỳ dưỡng huyết.

Yến sào thường được dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, viêm khí phế quản, ho khan đàm dính, hen suyễn, khái huyết thổ huyết, viêm dạ dày thực quản gây nôn, lỵ và sốt rét kéo dài, lao phổi, mạnh gân xương.

Theo chuyên gia, nhiều người coi yến sào như phương thuốc và lầm tưởng rằng có thể sử dụng để chữa bệnh. Tuy nhiên, tổ yến chỉ đơn thuần là thực phẩm bổ dưỡng, được sử dụng như một loại thực phẩm chức năng.

Ai không nên ăn yến sào?

Lương y Bùi Đắc Sáng cũng thông tin, với người trẻ, khỏe mạnh có khả năng hấp thụ tốt thì việc ăn yến sào hàng ngày có thể sẽ không quá ảnh hưởng. Tuy nhiên có một số người nên thận trọng khi sử dụng yến sào. Vậy những ai không nên ăn yến sào?

1. Người cao tuổi

Nhóm người lớn tuổi không nên ăn tổ yến quá nhiều. Việc sử dụng yến sào không khoa học sẽ làm khó chịu, chướng bụng. Về lâu về dài, điều này có thể gây ra khó tiêu và các hậu quả không mong muốn khác tác động đến hệ tiêu hóa.

2. Người bị tỳ vị hư

Những người bị tỳ vị hư, cảm mạo, sốt nhức đầu, đau bụng do lạnh hoặc đầy bụng, ho nhiều đàm loãng không nên dùng yến sào.

3. Người bị viêm da

Những người có triệu chứng viêm da, viêm phế quản cấp, viêm nhiễm tiết niệu, sốt thực nhiệt không nên dùng yến sào.

4. Những người thể trạng yếu

Người gầy yếu, cơ thể xanh xao, tỳ vị hoạt động yếu, không hấp thụ được thực phẩm, dưỡng chất cũng không nên dùng yến sào.

Ai không nên ăn yến sào? - 1

5. Người thận dương hư

Nhóm người có biểu hiện đại tiện lỏng, nước tiểu trong được khuyên không nên dùng tổ yến sào kẻo tình trạng thêm nghiêm trọng.

6. Trẻ em dưới 7 tháng tuổi

Nhóm tuổi này cũng không nên dùng yến vì lúc này hệ tiêu hóa hấp thụ của trẻ còn chưa phát triển toàn diện, chưa đủ cứng cáp để hấp thụ loại thực phẩm quá bổ dưỡng này.

Liều lượng ăn tổ yến hợp lý

Trẻ em 1-4 tuổi:1 – 2 gram yến tinh/ngày

Trẻ em 4 tuổi trở lên, phụ nữ mang thai, và thanh niên: 2 – 3 gram yến tinh/ngày

Người già, người có bệnh (tiểu đường, ung thư, mới mổ dậy…): 3-4gram yến tinh/ngày

Ai không nên ăn yến sào? - 2

Những lưu ý khi sử dụng yến sào

Không ăn yến sào quá thường xuyên

Nhiều người cho rằng yến sào chứa nhiều chất dinh dưỡng nên ăn nhiều sẽ đem lại lợi ích cho cơ thể. Tuy nhiên sự thật hoàn toàn trái ngược.

Với những người khỏe mạnh, việc hấp thụ yến thường xuyên có thể không ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên, đối với những người cao tuổi và bệnh nhân đang điều trị, ăn quá nhiều yến sẽ gây tác động xấu tới hệ tiêu hóa nói riêng và sức khỏe nói chung. Nếu duy trì việc này trong thời gian dài, nó còn gây phản tác dụng. Do đó, người già và người bệnh chỉ nên ăn yến 2-3 lần/tuần và mỗi lần chỉ khoảng 3 gram.

Thời điểm ăn yến sào

Nhiều người có thói quen ăn yến sào bất kể thời điểm, dù sáng trưa tối đều được. Thực tế, việc ăn yến vào bất kể bữa ăn nào trong ngày cũng không gây hại lớn tới cơ thể nhưng lại khiến tác dụng của yến không thể phát huy hết, từ đó gây lãng phí.

Yến sào nên được ăn vào buổi sáng, thời điểm cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng tốt nhất. Việc ăn yến sào sau khi ngủ dậy sẽ cung cấp năng lượng cho cơ thể trong suốt ngày dài. Ngoài ra, yến sào có thể ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ 30p - 1h. Không nên ăn yến sào khi vừa ăn no.

Ai không nên ăn yến sào? - 3

Thời gian chưng yến

Tùy từng loại yến và cách chế biến mà có khoảng thời gian chưng yến phù hợp, tuy nhiên giới hạn thời gian thường từ 20-30 phút. Nếu chưng quá lâu, yến không những bị nhão, làm giảm độ ngon khi thưởng thức, mà còn khiến các chất dinh dưỡng bị suy giảm, hạn chế tác dụng đối với cơ thể.

PN (SHTT)

Nổi bật