Uống nhiều nước và các chất kích thích
Trước khi đi ngủ không nên uống quá nhiều nước, bởi việc đi vệ sinh giữa đêm sẽ làm gián đoạn giấc ngủ. Nếu khát, chỉ nên uống một ít nước. Những người có thói quen uống sữa buổi tối nên uống sớm một chút hoặc chỉ uống số lượng ít.
Với cà phê cũng không nên uống sau 21h bởi caffeine chứa trong loại thức uống này sẽ kích thích hệ thống thần kinh và có tác dụng lợi tiểu, là nguyên nhân chính gây mất ngủ.
Uống rượu trước khi ngủ từng được nhiều người đánh giá là có thể "thúc đẩy" giấc ngủ. Tuy nhiên nghiên cứu đã chứng minh, dù rượu có thể khiến con người nhanh chóng đi vào giấc ngủ, nhưng ngủ không sâu, dễ gây mệt mỏi.
Lướt điện thoại
Có nhiều người tận dụng thời gian buổi tối chỉ để xem hoặc chơi cùng điện thoại. Nếu việc này kéo dài, không chỉ không được thư giãn mà khiến cơ thể ngày càng kiệt quệ do tác hại của sóng điện từ cũng như hậu quả của lười vận động.
Theo Tạp chí Nghiên cứu Hạnh phúc, sau 21h, chỉ cần 20 phút dùng smartphone là mức độ mệt mỏi tăng lên rõ rệt, thậm chí ảnh hưởng tới hiệu suất công việc vào ngày hôm sau.
Một cuộc khảo sát hơn 2.000 người tại Anh cũng phát hiện, có 50% số người được hỏi dành ít nhất nửa tiếng đồng hồ sau khi nằm trên giường để lướt web, từ đó làm giảm thời gian trao đổi và trò chuyện với bạn đời, tình cảm vì thế mà dần lạnh nhạt.
Tắm
Không nên tắm sau 21h, đặc biệt là vào những ngày trời lạnh. Lý giải của các nhà khoa học rằng giấc ngủ thường ập đến khi nhiệt độ cơ thể hạ thấp hơn so với nhiệt độ bình thường. Nếu bạn tắm, nhất là tắm bằng nước ấm thì nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên và điều này gây ức chế hormone buồn ngủ.
Uống canxi và những chất bổ sung vitamin
Nhiều người có thói quen uống những chất dinh dưỡng bảo vệ sức khỏe như canxi, vitamin... trước khi đi ngủ. Tuy nhiên theo khuyến cáo, những loại này sẽ gây gánh nặng tới dạ dày, từ đó làm gián đoạn việc nghỉ ngơi.
Tốt nhất nên uống canxi hay vitamin sau bữa ăn. Trừ phi bác sĩ dặn phải uống thuốc trị bệnh, còn không những loại thuốc và thực phẩm chức năng không nên uống sau 21h. Hơn nữa, khi ngủ, các chức năng trao đổi chất của cơ thể cũng trong trạng thái ngủ, một số cơ quan cũng "nghỉ ngơi" nên không có lợi cho việc hấp thu dưỡng chất.
Ăn đêm
Dạ dày thoải mái, dễ chịu mới đảm bảo được giấc ngủ ngon. Bởi vậy, tốt nhất không nên ăn trước khi ngủ 2 tiếng để tránh tăng tiết dịch axit, gây nặng nề cho dạ dày. Nếu trước khi ngủ cảm thấy đói có thể ăn một chút đồ thanh đạm.
Bữa tối trước đó cũng không nên ăn quá no. Ở bữa này, nên chọn những loại thực phẩm như đậu hũ, hành, các loại đậu, bắp cải... Cũng không nên ăn quá nhiều ớt, tỏi để tránh gây khó chịu cho dạ dày, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Tập thể dục cường độ cao
Tập thể dục cường độ cao trong một, hai tiếng trước giờ đi ngủ sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Adrenaline tiết ra sau quá trình tập luyện có thể đưa não bộ vào trạng thái phấn kích, khiến bạn tỉnh táo, hưng phấn hơn, khó vào giấc hơn. Sau 21h, bạn chỉ nên tập các động tác kéo giãn nhẹ nhàng hoặc ngồi thiền để thư giãn tâm trí và thả lỏng toàn bộ cơ thể, nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Suy nghĩ về công việc quá nhiều
Nhiều người có thói quen suy ngẫm lại một ngày đã qua, sau đó bắt đầu lên kế hoạch cho ngày hôm sau. Dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ, cuối cùng lại thành khó ngủ.
Trí não cũng cần được nghỉ ngơi, như vậy mới có thể chuẩn bị trọn vẹn cho công việc ngày hôm sau. Bởi vậy, tối hôm trước phải tách bạch sự nghỉ ngơi với công việc, xa rời áp lực về mặt tâm lý để phục hồi sức khỏe.
Khi ngủ tốt nhất không nên nghĩ gì cả. Nếu muốn suy ngẫm về một ngày đã qua, và lên kế hoạch cho ngày mai nên ghi chép lại những điều này trước 21h, sau đó mới đi ngủ.
NT (SHTT)