1. Vitamin E
Vitamin E thực chất là một chất chống oxy hóa, chức năng của vitamin E là ngăn ngừa các bệnh tim mạch, mạch máu não và chống lão hóa nên được sử dụng rộng rãi.
Tuy nhiên, nếu dùng lâu dài thì hãy uống vitamin E mỗi ngày một cách vừa phải. Khi lượng thuốc đạt đến 400-800 mg, thị lực sẽ dần dần bị mờ.
Nếu liều hằng ngày vượt quá 800 mg, quá trình chuyển hóa nội tiết trong cơ thể sẽ bị rối loạn, hệ thống miễn dịch bị suy giảm và chức năng tình dục cũng bị suy giảm.
2. Vitamin A
Nó đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của xương người và duy trì chức năng của tuyến sinh dục, nhưng nếu sử dụng nhiều sẽ dẫn đến ngộ độc cấp tính hoặc ngộ độc mãn tính. Ngộ độc cấp tính biểu hiện như chóng mặt, buồn ngủ, nhức đầu, nôn mửa, tiêu chảy và các triệu chứng khác.
Nhiễm độc mãn tính có biểu hiện là đau nhức xương khớp, sưng tấy, ngứa ngáy, mệt mỏi, yếu chân tay, bứt rứt, đau bụng,...
3. Vitamin D
Bổ sung quá nhiều vitamin D có thể làm tăng hấp thu canxi và phốt pho ở ruột, khiến nồng độ canxi trong máu tăng cao, gây nguy hiểm cho thận, phổi, đường hô hấp, thần kinh, tim mạch và các hệ cơ quan khác.
Độc tính của vitamin D có thể gây chán ăn, biếng ăn, cáu kỉnh, thiếu năng lượng, sốt nhẹ, đổ mồ hôi, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, đi tiểu nhiều lần,...
Nhiễm độc mãn tính lâu ngày có thể gây vôi hóa xương, thận, mạch máu, da tương ứng, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí não, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong do suy thận, ngộ độc vitamin D trong thời kỳ đầu mang thai có thể gây dị tật thai nhi.
4. Vitamin C
Vitamin C là loại vitamin quen thuộc nhất với chúng ta. Nó tham gia vào quá trình hydroxyl hóa và liên quan chặt chẽ đến quá trình chuyển hóa của một số loại thuốc. Lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày cho người lớn là 100 mg/ngày.
Mặc dù vitamin C là một loại vitamin tan trong nước, uống quá nhiều sẽ được bài tiết qua nước tiểu, nhưng nếu uống quá nhiều vitamin C vẫn có thể tạo ra một số phản ứng có hại, người lớn dùng nhiều hơn 2 gam vitamin C có thể gây tiêu chảy.
5. Vitamin B6
Mặc dù vitamin B6 tan trong nước, nghĩa là rất khó để dùng quá liều chỉ từ nguồn thực phẩm, nhưng nó vẫn có thể nguy hiểm khi bị sử dụng quá đà. AARP báo cáo rằng dùng hơn 250 mg mỗi ngày có thể gây tổn thương và đau dây thần kinh.
Thay vào đó, hãy ăn các loại thực phẩm như đậu xanh, gan, cá ngừ và cá hồi. Bạn chỉ cần từ 1,3 đến 1,7 mg vitamin B6 mỗi ngày, tùy thuộc vào độ tuổi.
6. Sắt
Mặc dù lượng sắt thấp có thể gây thiếu máu nhưng hầu hết mọi người đều không gặp phải vấn đề đó. Bạn nhận được chất sắt từ một số loại thực phẩm, như thịt đỏ, ngũ cốc tăng cường, hàu, đậu lăng và rau bina.
Theo NIH, trong một số trường hợp như khi mang thai, việc bổ sung sắt có thể cần thiết. Nhưng nhìn chung, bạn không cần nó.
Quá nhiều chất sắt có thể gây buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Sắt cũng có thể gây rối loạn một số cơ quan chính. "Quá nhiều chất sắt thực sự có thể gây ra các vấn đề về gan và tim vì nó sẽ tích tụ trong các mô", Gozansky cho biết.
CDC khuyến nghị nên dùng 8-18 mg sắt mỗi ngày, tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính.
7. Canxi
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), canxi là khoáng chất có nhiều nhất trong cơ thể, nhưng không phải là vô tận. Khoảng 98% canxi được lưu trữ trong xương, nhưng nó cũng quan trọng đối với sức khỏe của răng và các chức năng quan trọng khác như co mạch máu và đông máu.
Và việc lạm dụng canxi - thường từ thực phẩm bổ sung chứ không phải trong sữa - có thể gây hại nghiêm trọng cho cơ thể. Theo AARP, các triệu chứng của quá liều canxi có thể bao gồm đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, thậm chí sỏi thận và các vấn đề về tim.
Wendolyn Gozansky, bác sĩ lão khoa và giám đốc chất lượng của Kaiser Permanente, nói: "Bất cứ thứ gì nếu tiêu thụ trên 2.200 miligam mỗi ngày, chúng tôi đều bắt đầu lo lắng về việc nó có thể khiến bạn bị đau bụng hoặc sỏi thận".
Nhìn chung, mọi người cần 1.000-1.200 mg canxi mỗi ngày, tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính. Ngoài sữa, các sản phẩm từ sữa khác như sữa chua có thể giúp bạn đạt được điều đó.
PN (SHTT)