Tên tôi là Nguyên, 65 tuổi. Tôi đã về hưu và nhận lương hàng tháng gần 10 triệu đồng. Vợ tôi cũng có lương hưu khoảng 7 triệu đồng. Nơi tôi ở chi phí sinh hoạt không cao nên với số tiền lương này, tôi và vợ có thể thoải mái chi tiêu mà không cần quá chắt bóp.
Nhưng vì con trai nên tôi không thể tận hưởng cuộc sống như những người già khác.
Theo đó, khi con trai tôi chuẩn bị kết hôn, nó nói với tôi rằng nó muốn mua một căn hộ ở Hà Nội để ở riêng. Nghe vậy, tôi cảm thấy rất căng thẳng, giá nhà Hà Nội cao ngất ngưởng, nếu mua một căn nhỏ khoảng hơn 50m2 cũng phải 1-2 tỷ đồng tùy khu vực. Nhưng con trai tôi sau này dự định sẽ ở đó lâu dài, con dâu cũng làm việc ở thành phố, hơn nữa chúng còn sinh con đẻ cái nên phải có nhà để an cư lập nghiệp, thậm chí là một căn không được bé quá để cháu tôi sau này còn có không gian phát triển.
Vì vậy, tôi đã rút hết tiền tiết kiệm của mình được khoảng 800 triệu, vợ tôi góp 200 triệu và con trai góp được 300 triệu. Số tiền này tuy rằng rất lớn đối với gia đình tôi nhưng hàng tháng vẫn phải trả góp thêm mới đủ.
Trong khi đó, lương của các con tôi chỉ đủ dùng cho sinh hoạt chứ không dư dả bao nhiêu. Tôi cảm thấy mình không thể thờ ơ được nên quyết định đi tìm việc để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho con trai cũng như rút ngắn thời gian trả hết tiền nhà.
Như các bạn đã biết, không dễ để một người ở độ tuổi của tôi tìm được việc làm. Tôi chỉ có thể đi ship hàng hoặc làm xe ôm công nghệ nhưng sức khỏe không cho phép tôi lái xe từ sáng đến tối nên sau cùng, tôi đã xin được một chân bảo vệ cho siêu thị điện máy.
Công việc không quá mệt mỏi như tôi nghĩ, nhưng trong tuần sẽ có khoảng 3 buổi phải trực tối ngủ lại qua đêm ở siêu thị. Hàng tháng tôi nhận được khoảng 6,5 triệu đồng, cộng với số tiền lương của hai vợ chồng tôi thì tổng là 23 triệu đồng.
Sau đó, chúng tôi trích ra 15 triệu đưa cho con trai trả tiền lãi, còn 8 triệu hai vợ chồng cố gắng tiêu pha dè sẻn lại cũng không quá cực khổ.
Đôi khi tôi nhìn thấy những người cùng tuổi đi với các con, các cháu đến siêu thị mua đồ mà ganh tị. Họ vui vẻ và hạnh phúc lắm. Hay những người bạn dưới quê của tôi, họ mỗi ngày đều đi tập dưỡng sinh, đánh cờ tướng, thỉnh thoảng lại tụ tập ăn uống hoặc du lịch… Nghĩ đến thân mình vẫn còn phải đi làm thuê làm mướn, tôi có đôi chút chạnh lòng.
Nhưng nghĩ đến con trai, tôi không còn cách nào khác là phải tiếp tục làm việc chăm chỉ.
Mãi đến 1 năm sau tôi mới phát hiện ra một sự thật cay đắng.
Sáng hôm đó, sau khi kết thúc ca làm việc ban đêm và bàn giao lại cho những người trực tiếp theo, tôi nhấc điện thoại lên để nhắn thông báo chuẩn bị về nhà cho vợ như mọi lần.
Bỗng nhiên, màn hình điện thoại sáng lên đã nhận một tin nhắn. Tôi bấm vào thì thấy đó là phiếu lương của con trai, con số lớn hơn rất nhiều so với tôi tưởng tượng chứ không hề ít như nó vẫn nói. Chưa kể nếu cuối tháng làm việc tốt còn được nhận phần trăm lợi nhuận, rồi thưởng lễ, Tết…
Vậy là nó đã nói dối tôi sao. Thậm chí hai tháng trước, tôi có dò hỏi con trai dạo này lương có được tăng lên không thì nó vẫn nói chẳng nhỉnh hơn được chút nào, rồi than đau đầu vì nợ nần.
Khi tôi đang mải suy nghĩ ra trăm ngàn lý do để con phải nói dối bố mẹ thì con trai lập tức thu hồi tin nhắn lại và im lặng.
Tôi vừa cười, vừa chảy nước mắt. Cười vì bản thân quá ngốc, cười vì bộ dạng của mình lúc này thật đáng thương, nghỉ hưu rồi vẫn lóc cóc đi xin việc rồi làm bảo vệ đến đêm không dám ngủ. Khóc vì uất ức, vì buồn rầu khi có một người con như vậy.
Hai năm qua tôi và vợ không dám phung phí một đồng, lúc nào cũng chăm chăm tiết kiệm để gửi tiền cho con. Chúng tôi không mua quần áo mới, thỉnh thoảng bạn bè rủ đi chơi cũng từ chối khéo vì lo tốn tiền. Thậm chí tôi có bệnh đau lưng, chỉ dám vào viện khám rồi mua thuốc ở bên ngoài hoặc uống giảm đau tạm thời để giảm chi phí.
Hóa ra những nỗ lực của tôi là không xứng đáng.
Kết thúc sự im lặng, con trai tôi gửi tin nhắn để kiểm tra xem tôi đã đọc được bức hình mà nó gửi nhầm chưa.
Tôi không trả lời ngay vì không biết ứng xử ra sao. Mười phút sau tôi nói: “Con trai, có chuyện gì thế? Vừa rồi bố đang làm việc nên không nhìn điện thoại. Con gửi gì cho bố mà thu hồi lại thế?"
Cậu con trai trả lời ngay: “Không sao đâu, con gửi nhầm. Bố ơi, bố cũng nên chú ý đến sức khỏe của mình khi làm việc nhé”.
Khi nhìn thấy câu này, tôi đã bật cười, bây giờ tôi mới nhận ra rằng con trai tôi dẻo miệng quá. Nó lúc nào cũng nói thương tôi, sợ tôi vất vả nhưng chẳng bao giờ từ chối khi tôi đưa tiền.
Đặc biệt, nó chỉ muốn tôi chuyển khoản cho tiện. Khi bị giục đưa vợ con về thăm ông bà thì nó khất lên khất xuống, vài lần hẹn mới về. Mà về cũng chưa từng mua quà cho bố mẹ, còn khi đi thì tôi sắm đủ thứ gửi cho cháu.
Chỉ là trước đây tôi bị mù và không suy nghĩ gì nhiều, nhưng bây giờ tôi đã tỉnh lại.
Tôi quyết định từ nay về sau sẽ không gửi trợ cấp cho con trai mình nữa. Tôi đã cho chúng quá nhiều suốt thời gian qua. Tôi đã hoàn thành trách nhiệm của mình, chưa kể kinh tế của con trai tôi tốt như vậy, dù cuộc sống của nó không vừa ý cũng không liên quan gì đến tôi, tôi không thể chịu trách nhiệm về cuộc sống của nó.
Bây giờ tôi không có nhiều tiền tiết kiệm nên tôi phải lên kế hoạch cho bản thân. Sau này tôi sẽ tiếp tục làm công việc bảo vệ, số tiền lương sẽ dành dụm để dưỡng già cho hai vợ chồng. Tôi mới 65 tuổi, sức khỏe tốt, vẫn có thể làm việc thêm vài năm nữa.
3 ngày sau khi tôi biết sự thật, con trai tôi gửi tin nhắn nhắc bố gửi tiền vì chưa nhận được như mọi tháng. Tôi cười khẩy không muốn lật tẩy, chỉ nói rõ với con:
“Con trai, tiền tiết kiệm của bố mẹ đã dùng hết để mua nhà cho con rồi. Bố mẹ già rồi, nếu bệnh tật gì đó thì bố cũng không kiếm được tiền. Bố đã giúp đỡ con suốt hai năm nay, còn bây giờ bố không thể tiếp tục chu cấp cho các con nữa. Các con đã hơn 30 tuổi, hãy học cách tự nuôi sống chính mình.
Tôi gửi tin nhắn thoại như vậy cho con trai, con trai tôi nghe xong cũng nhận ra rằng tôi đã nhìn thấy bức ảnh nó gửi ngày hôm qua, không hề có lý do gì, nó bình tĩnh chấp nhận sự thật này và nói xin lỗi bố rất nhiều.
Tôi nghĩ dù cha mẹ có thương con đến đâu cũng nên để dành một chút cho mình chứ không nên tiêu tất cả cho con cái. Tôi thật may mắn, tôi đã phát hiện ra điều đó sớm, tôi còn trẻ và vẫn có thể kiếm được tiền, lại còn có lương hưu.
Nếu tôi không có lương hưu và không có khả năng kiếm tiền thì sau này tôi sẽ sống như thế nào? Vì vậy, người già tuy không tiếc công sức giúp đỡ con cái, nhưng phải có chừng mực và chừa đường lui cho mình.
Theo Nguyễn Phượng (Phụ Nữ Số)