Gia đình cụ ông Nguyễn Đức Nam, 77 tuổi, trú phố Dân Lập (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) nhiều ngày nay tràn ngập tiếng cười, xôn xao lời hỏi han, chúc mừng của bà con lối xóm, họ hàng, gia tộc.
Cụ là trường hợp đã ngưng tim, bệnh viện trả về cho gia đình lo hậu sự. Vợ con cụ đã làm hợp đồng với công ty tang lễ, sắp bàn ghế, chuẩn bị căng bạt đau đớn chấp nhận giây phút vĩnh viễn mất đi người thân.
Chia sẻ trên Zing, bà Nguyễn Thị Bích (vợ bệnh nhân) cho biết, 10 giờ ngày 21/10/2022, ông Nam kêu tức ngực, chân tay lạnh toát mồ hôi, vệ sinh cá nhân khó khăn và có dấu hiệu mất kiểm soát hành vi. Thấy bất thường, gia đình vội gọi xe cấp cứu và đưa ông đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng). Tại đây, qua thăm khám, ông ngay lập tức được đặt stent nhưng không có dấu hiệu lạc quan.
Cùng ngày hôm đó, thấy nhịp tim người bệnh đã ngừng đập, đồng tử giãn, hy vọng cứu sống rất mong manh, các bác sĩ có trao đổi cho gia đình nắm được tình hình bệnh. Sau khi họp và thống nhất, gia đình đã xin đưa ông về nhà.
"Đến 17h ngày 21/10/2022, chồng tôi được đưa về nhà. Lúc này, người ở nhà cũng đã cùng họ hàng, hàng xóm chuẩn bị các bước hậu sự cho ông ấy", vợ ông Nam, bà Nguyễn Thị Bích (75 tuổi, Hải Phòng) xúc động cho biết.
Kỳ lạ thay, khoảng gần 2 tiếng sau, ông Nam có dấu hiệu thở oxy đều. Màn hình monitor của bệnh viện bất ngờ báo có tim đập trở lại, huyết áp tăng lại. Gia đình vừa mừng vừa ngạc nhiên, vội gọi xe cấp cứu đưa ông trở lại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.
Ông Nam được đưa vào cấp cứu tại Khoa Hồi sức theo yêu cầu. Tại đây, ông vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử 2 bên giãn 5 mm, mất hết các phản xạ, vân tím rải rác toàn thân…
"Tình trạng bệnh vẫn rất nặng, khả năng duy trì sự sống thấp nên các bác sĩ có trao đổi với chúng tôi về hướng xử lý ca bệnh này. Tâm lý 'còn nước còn tát' nên chúng tôi đặt hết niềm tin vào các bác sĩ, đồng ý tiếp tục các can thiệp chuyên sâu cho ông ấy dù cơ hội cải thiện rất thấp.
Không ngờ, điều kỳ diệu đã xảy ra, qua 63 ngày điều trị tại bệnh viện với khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, sự quan tâm của đội ngũ y bác sĩ cùng sự chăm sóc tận tình của gia đình, và khát vọng sống của bản thân, ông nhà tôi đã dần hồi phục, có ý thức trở lại", bà Bích kể sau khi hồi tỉnh và nghe gia đình kể lại hành trình đó của mình, chồng bà chỉ cười.
Nghe tin ông Nam đã hồi phục trở lại, thoát chết thần kỳ…, cả xóm và gia đình vui mừng khôn xiết, rất đông anh em, bạn bè từ khắp mọi nơi đã đến chia vui và không khỏi kinh ngạc về sự hồi sinh kỳ diệu của ông ấy.
Về phía nhà tang lễ và công ty dịch vụ tang lễ mà gia đình đã đặt, khi biết tin ông ấy sống lại, ai cũng mừng và kinh ngạc, chúc mừng cả nhà và cũng không phải bồi thường gì cho việc đã đặt trước đó.
Có mặt tại gia đình cụ Nam, phóng viên chứng kiến những cuộc điện thoại từ bạn bè, người thân ở khắp mọi miền đất nước gọi về chúc mừng, hỏi thăm cụ, sau khi thấy câu chuyện của cụ trên báo.
Cụ Nam chia sẻ với VietNamNet, nhiều năm trước, bản thân mình có sức khỏe khá ổn định. Đến năm 2016, cụ phải trải qua ca mổ não tại Bệnh viện Việt Đức. Sau lần mổ đó, sức khỏe cụ cũng hồi phục tốt cho đến "đại hạn" vừa qua.
“Đáng lẽ là mình đi gặp ông bà rồi. Nhưng chắc trời còn thương, thấu được lòng con cháu đang muốn được chăm bố, chăm ông thêm thời gian nữa nên cho sống lại. Từ ngày thoát được lưỡi hái tử thần, tôi càng cảm thấy trân trọng sự sống và yêu gia đình mình nhiều hơn. Nói thế thôi, chứ con mình có hiếu thảo bao nhiêu mà không có đội ngũ y, bác sĩ giàu y đức thì tôi cũng không qua được rồi”, cụ Nam tâm sự.
Anh Nguyễn Ngọc Thái, hàng xóm, cho biết: "Tôi vẫn nhớ như in ngày ông bị bệnh, tôi là người hỗ trợ cùng cụ bà đưa ông đi cấp cứu. Sau đó lại thấy gia đình đưa cụ về lo hậu sự. Dịch vụ tang lễ đã sẵn sàng nhưng cụ lại thở lại. Những ngày cụ nằm viện, hàng xóm chúng tôi ai cũng mong mỏi cho cụ hồi phục. Thế rồi mong mỏi đó được đền đáp, ai ai cũng vui lây".
Cũng trao đổi với báo trên, ThS.BSCKII Nguyễn Văn Lữ, Trưởng Khoa Hồi sức Theo yêu cầu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, cho biết đơn vị đã tiếp nhận cụ ông vào viện với chẩn đoán hôn mê sau cấp cứu ngừng tuần hoàn do nhồi máu cơ tim cấp đã đặt stent mạch vành/tăng huyết áp - đái tháo đường type II. Trong quá trình đặt stent, người bệnh xuất hiện ngừng tim và được cấp cứu ngừng tuần hoàn trong hai giờ.
Tuy nhiên, khi về nhà, người bệnh vẫn tiếp tục được thở máy, duy trì thuốc vận mạch, gia đình vẫn thấy hình ảnh nhịp tim trên monitor nên quyết định đưa người bệnh trở lại viện.
Tại Khoa Hồi sức Theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, người bệnh trong tình trạng hôn mê sâu, mất hết các phản xạ, kết quả xét nghiệm thể hiện tình trạng toan máu nặng, suy đa tạng, tiên lượng tử vong trên 90%.
Người bệnh được thực hiện ngay và đồng thời các can thiệp hồi sức chuyên sâu như lọc máu liên tục, đặt thiết bị thăm dò huyết động bằng phương pháp PiCCO. Đặc biệt, người bệnh được hạ thân nhiệt chỉ huy.
Kết quả, sau 63 ngày nằm viện, người bệnh ra viện trong tình trạng phục hồi tri giác, vận động hoàn toàn, có thể tự phục vụ sinh hoạt cá nhân.
Để có được điều kỳ diệu này, tình cảm của người vợ, sự hiếu đạo của các con cháu đối với người bệnh là điều quan trọng nhất.
“Y học dù tiến bộ đến đâu, thuốc men tốt đến mấy nhưng không được người thân tận tình, tỉ mỉ chăm sóc thì cũng khó thành công. Gia đình cụ Nam rất lạc quan, đặt trọn vẹn niềm tin vào bác sĩ. Bất cứ sự thay đổi hướng điều trị nào mà bác sĩ trao đổi, họ đều đồng thuận và phối hợp rất tốt.
Cảm nhận được tình yêu thương của vợ con dành cho cụ Nam, cùng với nghị lực vượt qua bệnh hiểm nghèo của bệnh nhân, các bác sĩ suốt hơn 60 ngày chữa trị cho cụ cũng như được tiếp thêm sức mạnh. Chúng tôi muốn nỗ lực hết mình để chạy đua với thời gian đưa cụ trở lại với vòng tay của con cháu. Cụ bình phục, các bác sĩ cũng vỡ òa trong hạnh phúc”, lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp chia sẻ trên VietNamNet.
Hiện, sức khỏe của cụ Nam đã ổn định trở lại và mọi sinh hoạt bình thường. Buổi chiều, cụ thường đi bộ trong ngõ xóm để thư giãn. Chế độ sinh hoạt được chia thành nhiều bữa nhỏ và duy trì thăm khám định kỳ tại Bệnh viện Tim Hà Nội, theo Zing.
PN (SHTT)