Trung Quốc đang là "công xưởng" tạo ra tỷ phú trên thế giới. Mặc dù các tỷ phú này đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ ở quê nhà nhưng một trong những xu hướng yêu thích của họ là gửi con đi học tại các trường đại học nổi tiếng ở nước ngoài.
Đối với giới siêu giàu, di sản của họ không chỉ phụ thuộc vào việc tạo ra bao nhiêu của cải, xếp thứ bao nhiêu về độ chịu chi mà còn phụ thuộc vào giáo dục và cuộc sống của con cháu họ.
Theo danh sách được công bố bởi Viện nghiên cứu Hurun, cứ 10 tỷ phú trên thế giới thì có 4 người đến từ Trung Quốc. Quốc gia tỷ dân này gần đây có thêm 182 người, nâng lên tổng cộng 799 tỷ phú, theo Danh sách người giàu toàn cầu Hurun năm 2020. Trong khi đó, chỉ có 59 tỷ phú mới ở Mỹ, nâng tổng số lên 626.
Vấn đề học tập, điểm số và tiêu chuẩn giảng dạy ở Trung Quốc rất khắt khe. Đây được cho là một trong những nguyên nhân gần một nửa số tỷ phú Trung Quốc không có trình độ học vấn quá cao.
Trên thực tế, các tỷ phú Trung Quốc đa phần được đào tạo trong nước. Jack Ma (giá trị tài sản ròng 38,8 tỷ USD) tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hàng Châu và Mã Hóa Đằng (giá trị tài sản ròng 38,1 tỷ USD) tốt nghiệp Đại học Thâm Quyến. Một gã khổng lồ công nghệ khác, Lý Ngoạn Hoành (giá trị tài sản ròng 6,2 tỷ USD), chủ tịch và giám đốc điều hành của tập đoàn Baidu, từng theo học tại Đại học Bắc Kinh.
Trong khi đó, Hứa Gia Ấn (giá trị tài sản ròng 21,8 tỷ USD), chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Evergrande- một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, là cựu sinh viên Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán.
Đưa người thừa kế ra nước ngoài học là một lựa chọn của không ít tỷ phú, theo trang China.com của Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI).
Hầu hết chuyên ngành mà con cái của giới siêu giàu Trung Quốc theo học đều chủ yếu liên quan đến quản lý kinh doanh, kinh tế, tài chính và các chuyên ngành khác liên quan đến kinh tế bởi suy cho cùng, những người giàu này vẫn cần người kế thừa sự nghiệp tương lai của gia tộc, theo Sohu.
Diêu An Na, con gái của người sáng lập tập đoàn công nghệ Huawei Nhậm Chính Phi (tài sản ròng 1,1 tỷ USD), học múa ba lê chuyên nghiệp từ nhỏ.
“Tôi chưa bao giờ coi mình là công chúa. Giống như hầu hết mọi người ở độ tuổi của tôi, tôi cần phải nỗ lực rất nhiều vào việc học để vào được một trường tốt”, Diêu An Na nói. Cô tốt nghiệp Harvard với bằng khoa học máy tính. “Tôi cũng cảm thấy lạc lõng sau khi học đại học, nhưng tôi vẫn tiếp tục thử những thứ khác nhau trước khi tìm thấy điều mình đam mê”, theo The South China Morning Post.
Con trai của 2 “ông trùm” Trung Thiểm Thiểm, người đứng đầu công ty đồ uống Nongfu Spring và Lý Thụy Kiệt của chủ tịch của Shenzhen Zhongqingbao Interaction Network, đều học tại Đại học California, Irvine ở Mỹ, chuyên ngành tiếng Anh và kinh tế doanh nghiệp. Cùng học tại Đại học California còn có con trai của Jack Ma.
Vương Tư Thông là con trai của Vương Kiệt Luân (tài sản ròng 14,1 tỷ USD), người sáng lập Salian Wanda Group- công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Tư Thông được đào tạo ở nước ngoài, đầu tiên ở Singapore và sau đó tại Winchester College tại Anh- nơi học phí hàng năm là 51.400 USD.
Ca sĩ Vương Phi (tài sản ròng 150 triệu USD) có cô con gái Viên Lê theo học tại Albin Beausoleil College- một trường đại học nổi tiếng của Thụy Sĩ, với học phí hàng tháng khoảng 12,000 USD.
Dư Loan Loan là con gái duy nhất của Dư Tĩnh Uyên, chủ tịch Tập đoàn sản xuất gỗ Manhtian. Cô "công chúa" này được gia đình vô cùng cưng chiều và theo học tại một trường nội trú quý tộc ở Anh từ năm 15 tuổi.
Cô học giỏi Toán và giành huy chương vàng trong Cuộc thi Toán Cao cấp toàn quốc của Anh. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Thời trang London, cô theo học Đại học Oxford, Đại học Cambridge và Đại học Columbia.
Con trai “vua cờ bạc” Macao Hà Hồng Sân là Hà Du Quân- người đã 2 lần giành chức vô địch Toán học Hồng Kông. Du Quân theo học tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và hoàn thành khóa học 4 năm chỉ trong 3 năm. Anh cũng là sinh viên trẻ nhất trong lịch sử chương trình Thạc sĩ Tài chính của MIT.
Theo Tử Huy (VietNamNet)