Đời sống vợ chồng không hòa thuận, tình cảm với bạn đời không còn mặn nồng hay bất cứ lý do nào khác nghe đều có vẻ chẳng thuyết phục cho hành vi ngoại tình. Khi những ước đoán dựa trên cảm xúc và quan điểm cá nhân không thể đưa ra một lời lý giải đủ thuyết phục, hãy thử nhìn vấn đề không chung thủy dưới góc độ khoa học não bộ, có lẽ mọi thứ sẽ minh bạch và dễ hiểu hơn.
Hành vi ngoại tình dưới góc độ khoa học
Kenneth Rosenberg - tiến sĩ Tâm lý học, đồng thời là tác giả cuốn sách "Infidelity: Why men and women cheat" (Tạm dịch: Tại sao đàn ông và phụ nữ ngoại tình) khẳng định khoa học luôn có thể giải thích hành vi không chung thủy của con người.
Trong cuốn sách của mình, ông chia sẻ: "Bản năng đóng vai trò lớn trong việc một người đưa ra quyết định có ngoại tình hay không. Tuy nhiên chúng ta không thể đổ lỗi tất cả cho cấu trúc sinh học của cơ thể mình. Bạn không thể nói testosterone hay việc mất cân bằng estrogen đã khiến tôi ngoại tình, trong khi bản thân tôi chẳng muốn như thế".
Theo Rosenberg, hầu hết mọi người không có xu hướng chủ động tìm kiếm những mối quan hệ ngoài luồng. Họ chỉ bắt đầu tự vấn bản thân nên hay không nên ngoại tình khi vô tình bắt gặp một đối tượng khiến họ bị thu hút. Phần lớn, mọi người ngoại tình vì tin rằng bản thân sẽ không lún sâu vào mối quan hệ với người không phải bạn đời/người yêu của mình hoặc họ tự tin rằng cái kim trong bọc sẽ không thể lộ ra.
Khi được hỏi rằng phái nam hay phái nữ có xu hướng ngoại tình nhiều hơn, tiến sĩ Rosenberg nói: "Phụ nữ có trình độ học vấn cao thường có nhiều khả năng lừa dối. Tuy nhiên đàn ông vẫn chiếm phần nhiều hơn. 20% đàn ông có vợ ngoại tình, trong khi đó con số ấy là 15% với phụ nữ".
Dựa trên kinh nghiệm làm việc với các thân chủ và những nghiên cứu liên quan đến độ tuổi của những người thường có mối quan hệ ngoài luồng, Rosenberg cho biết đàn ông và phụ nữ ở độ tuổi 40-60 có khả năng ngoại tình nhiều nhất.
Rosenberg còn cho biết thêm rằng 90% những người có bạn đời ngoại tình hoàn toàn không phát hiện ra bản thân đang/đã bị lừa dối. Theo Rosenberg, điều này bắt nguồn từ niềm tin tuyệt đối vào đối phương hoặc đôi khi là một sự phủ nhận mơ hồ rằng "bị cắm sừng" là chuyện không thể xảy đến với mình.
Từ những nhận định này, Rosenberg khẳng định: Một người không thể chấp nhận mối quan hệ của mình có nguy cơ tan vỡ vì kẻ thứ ba thì cũng không thể có một cái nhìn chính xác và công tâm khi điều đó xảy đến với họ.
3 kỹ năng quan trọng để duy trì hôn nhân bền vững, không "bóng dáng người ngoài"
Theo Rosenberg, 3 kỹ năng dưới đây sẽ giúp các cặp đôi hạn chế những rạn nứt để không tạo điều kiện cho "người ngoài" bước vào.
1. Lắng nghe và không phủ nhận cảm xúc của mình
Rosenberg cho biết gần 65% những người tin rằng họ không bao giờ ngoại tình cuối cùng đều đã ngoại tình ít nhất 1 lần. Nguồn cơn của sự việc này chính là khi bạn có xu hướng phủ nhận cảm xúc của bản thân, những cảm xúc ấy sẽ dễ dàng trỗi dậy mạnh hơn.
Ví dụ đơn giản: Bạn bị thu hút bởi cô nàng đồng nghiệp có vẻ đẹp ngoại hình và sự nhẹ nhàng đúng như bạn thích, bạn ngay lập tức cho rằng cảm xúc này là sai trái. Bạn sẽ chối bỏ nó, cố gắng trốn tránh người đồng nghiệp hoặc cảm giác tội lỗi vì không thể rời mắt khỏi cô ấy. Rosenberg ví von việc kìm nén hoặc phủ nhận cảm xúc giống như việc ghì chặt một chiếc lò xo và đành động này gián tiếp thúc đẩy ham muốn ngoại tình.
Chính vì thế, ông đưa ra lời khuyên rằng mọi người không nên cảm thấy tội lỗi vì có cảm xúc với những người không phải người bạn đời của mình. Cảm giác thinh thích một ai đó là chuyện hoàn toàn bình thường và không hề tiêu cực hay cần phải phủ nhận.
Việc trung thực với cảm nhận của mình không những giúp bạn bình tĩnh hơn trước vấn đề, mà còn giúp bạn giao tiếp chính xác hơn trong mọi hoàn cảnh.
2. Chia sẻ với đối phương về cảm nhận của bản thân
Dù hai bạn đã chung sống bao lâu hay bạn tin rằng anh ấy/cô ấy hiểu mình nhiều thế nào, cũng đừng quên rằng không ai có thể nhảy vào trong đầu bạn để biết tất cả những gì bạn đang nghĩ và đang cảm thấy.
Đó là lý do hai người nên thường xuyên chia sẻ với nhau về cảm xúc của mình. Đừng ngại kể về anh chàng đẹp trai mới vào công ty hay cô đồng nghiệp mới ly hôn, cũng không cần thiết phải giấu giếm cảm giác không hài lòng của bạn với hành động của đối phương. Theo Rosenberg, việc chia sẻ này đôi khi có thể khiến người cãi vã nhưng chí ít, nó vẫn tốt hơn tình trạng bằng mặt nhưng không bằng lòng.
3. Chỉ tập trung vào vấn đề cần giải quyết
Chung sống là quá trình hòa hợp của hai cá thể hoàn toàn khác biệt. Bởi vậy, mâu thuẫn là điều hoàn toàn không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở việc hai bạn khác biệt nhiều ra sao, mà chính là cách hai người lựa chọn để giải quyết những khác biệt này.
Theo Rosenberg, các cặp đôi có nguy cơ tan vỡ nhiều hơn khi dành sự quan tâm cho những vấn đề không thực sự đúng trọng tâm. Ví dụ như anh ấy luôn về muộn vào buổi tối, vậy là bạn ghen tuông, vẽ ra ngàn lẻ một kịch bản ngoại tình và bắt đầu những màn chất vất không hồi kết. Trong khi đó, điều bạn thực sự nên quan tâm là công việc của anh ấy có đang ổn không, hay anh ấy có đang quá căng thẳng.
Ngoại tình hay chung thủy, che giấu hay thành thật thừa nhận lỗi lầm,... vẫn là những tranh luận chưa có hồi kết với hầu hết mọi người. Dù rõ ràng, chẳng ai muốn chuyện tình của mình sứt mẻ, nhưng bạn không muốn không có nghĩa là điều đó không có khả năng xảy ra.
"Chúng ta không thể nghiên cứu 1000 người ngoại tình để tìm ra một mẫu số chung cho những kẻ thích trăng hoa, hay khẳng định một danh sách những điều có thể dẫn tới chuyện ngoại tình bởi mỗi người có một cơ chế cảm xúc và hành vi riêng. Tất cả những gì tôi có thể khuyên bạn chỉ là hãy suy nghĩ thực tế bởi chuyện gì cũng có thể xảy ra." - Rosenberg chia sẻ.
Theo AMT (Phụ Nữ Việt Nam)