Để hạnh phúc, trước tiên phải biết giải thoát bản thân khỏi những khúc mắc trong lòng và nhìn nhận theo hướng khác. Hiểu được rồi, pháo hoa mới bay cao bung tỏa.
1. “Cởi trói” chính mình
Cuộc sống vội vã, tưởng chừng như viên mãn đủ đầy nhưng lâu dài thường dẫn đến căng thẳng tinh thần, hiệu quả công việc giảm dần, khó đạt được kết quả tốt.
Vì vậy, khi cảm thấy mệt mỏi về thể chất và tinh thần, bạn cần thư giãn bản thân một cách thích hợp. Đặt mọi việc lại phía sau, để cơ thể và tâm trí được “nạp điện”, bổ sung năng lượng. Dừng lại không khiến trễ nải, mà vì tương lai sung sức và mạnh mẽ hơn.
Đừng chỉ đi đi về về giữa 2 địa điểm (chỗ làm việc và nhà), cố gắng rời khỏi văn phòng, ra khỏi nhà và hòa mình vào thiên nhiên, lắng nghe tiếng chim hót, ngửi hương hoa, phơi nắng và hòa mình vào cuộc sống của vạn vật. Nhìn ngắm và chiêm nghiệm nhiều hơn. Rồi bạn cũng sẽ nhận ra cách khiến áp lực tan biến, gánh nặng vơi bớt không phải chuyện gì to tát, đôi khi nhìn thấy những điều nhỏ nhặt cũng khiến bạn vui vẻ cả ngày.
Bạn cũng có thể làm điều gì đó mình muốn nhưng chưa bao giờ thử, hoặc đi ăn một bữa thịnh soạn, xem phim, mua cho mình một bó hoa, tặng quà cho người mà bạn quan tâm...
Đổ hết nước lạnh trong cốc trước khi rót trà nóng thơm vào. Trên đường đời, bạn cũng có thể luôn đặt hết hành lý xuống và cho phép cơ thể cũng như tâm trí được nghỉ ngơi trước khi có thể ôm lấy đam mê và lên đường lần nữa.
2. Quan sát người khác
Người sống ở đời, hầu như ai cũng luôn chú ý đến cảm xúc của chính mình, nhưng thói quen này lại vô tình khiến chúng ta không thể quan sát được toàn bộ bức tranh thế giới.
Đôi khi, hãy thử quan sát hành động, lời nói và cảm xúc của người khác. Cảm nhận, đặt vào vị trí của đối phương để suy nghĩ.
“Quan sát” ở đây không phải là tọc mạch, tham gia vào cuộc sống không liên quan đến mình, mà là lắng nghe, trải nghiệm và đồng cảm.
Khi có một sự đồng cảm nhất định, bạn sẽ thấy rằng mọi người đều có những rắc rối riêng. Thật sự trong xã hội ngoài kia chẳng có ai hạnh phúc hơn ai, mà cũng không người nào nghèo khổ hơn người nào. Chung quy chỉ là cách nhìn nhận cuộc đời của mỗi cá nhân mà thôi. Bạn thấy nó khổ, nhưng tôi lại thấy nó sung sướng, âu cũng là chuyện thường tình.
Kiểu quan sát này có thể ngăn chúng ta chỉ luôn nhìn chằm chằm vào những rắc rối của chính mình, thay vào đó, trở nên bao dung và thấu hiểu người khác, để thấy rằng đôi khi những vướng mắc của bản thân chỉ nhỏ bé mà thôi, tạo nên động lực để làm nhiều thứ hơn.
3. "Vỗ béo" tâm hồn
Có câu: Đọc một cuốn sách hay cũng giống như kết giao được một người bạn tốt.
Cuộc sống có rất nhiều điều khó hiểu, đôi khi chúng ta khó có thể tự mình tìm ra đáp án. Vì góc độ tư duy của chúng ta có hạn nên rất dễ gặp vướng mắc và thậm chí không bao giờ hiểu được.
Lúc này, đọc một cuốn sách hay cũng giống như nói chuyện với một người bạn trí tuệ, có thể nhìn sự việc từ góc nhìn của người ngoài cuộc và giúp chúng ta mở ra những ý tưởng mới.
Sức mạnh của ngôn từ rất to lớn, trong ngôn từ có sông núi, có con người, có phong tục địa phương và có trí tuệ của cả nhân loại.
Khi thiếu động lực, câu chữ có thể truyền cảm hứng cho chúng ta; khi chán nản, câu chữ có thể an ủi chúng ta; khi nghèo nàn về tư tưởng, câu chữ có thể cho chúng ta nhìn thấy một thế giới rộng lớn hơn.
Ngôi nhà chúng ta ở không cần phải lớn, nhưng thế giới tâm hồn phải bao la. Chỉ khi có tinh thần vững vàng thì chúng ta mới giảm bớt năng lượng tiêu cực và dễ dàng đối mặt với những chuyện không như ý trong cuộc sống.
Ăn ngon, ngủ đủ, tập thể dục và đọc sách hay. Một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần dồi dào là nền tảng của cuộc sống hạnh phúc.
Theo Trung Hạ (Phụ Nữ Số)