Zhu Zhiwen là ca sĩ nổi lên từ một chương trình truyền hình Trung Quốc với giọng hát nội lực. Anh xuất thân là một nông dân chân chất, vụt sáng thành sao khi giành giải quán quân trong một cuộc thi tài năng khác.
Được mời đến nhiều chương trình, gala, Zhu Zhiwen có mức cát-xê đáng mơ ước. Trước đó, mạng xã hội Trung Quốc đã lan truyền một đoạn video anh đến ngân hàng để giao dịch. Theo đó, trong đoạn video anh đã tiết lộ với nhân viên "Tôi kiếm được 16 triệu NDT/năm (khoảng 54 tỷ đồng)".
Trái ngược với sự nghiệp triển vọng, việc nuôi dạy của Zhu Zhiwen lại vướng phải những chỉ trích khi cậu con trai Zhu Shanwei bỏ học từ năm 14 tuổi, con gái Zhu Xuemei lại mắc bệnh béo phì, cân nặng lên đến 200 kg. Trước đó, dù Shanwei được cha thưởng tiền nếu đi học nhưng cậu vẫn không chịu đến trường vì suy nghĩ: "Dù sao gia đình cũng có tiền, đi học hay không cũng chẳng sao".
Zhu Zhiwen cũng không phản đối việc bỏ học của con. Thấy cậu bé Shanwei chỉ suốt ngày ở nhà chơi game ngày đêm, Zhiwen vẫn rất bình tĩnh: "Ở nhà làm ruộng cũng được, chỉ cần tìm một người vợ vừa ý là sống được nốt phần đời còn lại thôi".
Shanwei trở thành "ông vua con" ở nhà suốt 5 năm, 19 tuổi có thân hình mập mạp vì không phải lao động nặng nhọc. Đủ tuổi kết hôn, Zhiwen sắp xếp hôn lễ cho con mình, còn chuẩn bị sính lễ đủ nhà cửa, xe hơi Mercedes-Benz, trang sức vàng vô cùng tốn kém. Thế nhưng cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài một năm.
Sau khi ly dị, vợ Shanwei thẳng thừng nói: "Vốn dĩ chỉ là lựa chọn gia cảnh của hắn, nhưng cũng không chịu nổi". Shanwei tiếp tục cuộc sống theo cha đi mua quần áo, cắt tóc nhờ cha trả tiền. Chưa đầy một năm sau, Zhu Shanwei lại tiếp tục đính hôn.
Lần này Zhu Zhiwen cũng chi rất nhiều tiền, tặng trực tiếp hai con một chiếc BMW. Có người ghen tỵ với Zhu Shanwei không cần làm lụng vẫn có bố lo, nhưng hầu hết đều phản đối cách nuông chiều con của nam ca sĩ nổi tiếng, làm tương lai của một đứa trẻ mù mờ, phụ thuộc.
Hậu quả của việc nuông chiều con quá mức
Amy Morin, tổng biên tập trang web Verywell Mind, nhà trị liệu tâm lý, tác giả của nhiều cuốn sách bán nhất nước Mỹ cho biết: "Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy rất vui khi mua tất cả mọi thứ cho con. Họ cho rằng, thật tuyệt khi cho con những thứ mà họ không thể có khi còn bé.
Những bữa tiệc sinh nhật xa hoa, những kỳ nghỉ sang chảnh, hàng đống thiết bị điện tử đời mới và những buổi đi chơi, mua sắm liên miên nhìn bề ngoài giống như con bạn có một tuổi thơ tuyệt vời. Tuy nhiên, cho trẻ quá nhiều tài sản, quá nhiều đặc quyền và quá nhiều cơ hội thực sự có thể không tốt cho chúng.
Trên thực tế, trong một số trường hợp, nuông chiều con cái quá mức sẽ khiến con trẻ thực sự không tự giác quan tâm tới cuộc sống của chúng và nó có thể gây hậu quả suốt đời cho nhiều đứa trẻ".
Nuông chiều con quá mức khiến chúng có khả năng chịu đựng thấp
Khi đứa trẻ nhận được thứ mình muốn chỉ bằng cách yêu cầu, không cần bất kỳ nỗ lực nào, chúng sẽ khó chấp nhận khi bị từ chối. Chúng sẽ bực bội khi không đạt được điều mong muốn, thậm chí là suy sụp bởi khả năng chịu đựng áp lực kém.
Nuông chiều con quá mức khiến chúng không biết giá trị của công việc, nỗ lực, kiên nhẫn
Nếu trẻ dễ dàng nhận được những gì mong muốn, bạn sẽ không dạy cho con tầm quan trọng của nỗ lực và làm việc.
Tương tự, trẻ cũng không nhận được giá trị cơ bản của sự kiên nhẫn và chờ đợi để đạt được thành công.
Thậm chí, sự thất vọng có thể dần dần biến thành sự tuyệt vọng cũng như hoang mang khi phải đối diện với sự bất ngờ.
Nuông chiều con quá mức khiến chúng phụ thuộc
Trẻ sẽ không thể phát triển tính độc lập nếu được mãi nuông chiều, chu cấp theo mọi yêu cầu cá nhân. Thói quen phụ thuộc cứ thế sẽ theo trẻ trong thời gian phát triển tính cách, khiến cho cách tư duy lẫn hành động của trẻ trở nên ỷ lại, ngại việc khó, ngại tìm phương án xử lý vấn đề.
Đặc biệt, khả năng phát triển, định hướng, quyết định theo đuổi mục tiêu cuộc sống trong tương lai của trẻ sẽ dần bị hạn chế.
Tổng kết lại, hậu quả của việc cung cấp mọi thứ theo yêu cầu của trẻ dễ dẫn đến việc trẻ không biết cách xử lý sự thất vọng, bỏ qua nỗ lực đạt được mục tiêu, có xu hướng lo lắng và trầm cảm, có tính cách cố chấp và phụ thuộc...
Nếu mục tiêu của cha mẹ là bù đắp cho con nhỏ vì sự vắng mặt của nó hoặc để xoa dịu cảm giác tội lỗi, thì kết quả hoàn toàn ngược lại.
Phải làm gì đối với những đứa trẻ đang được nuông chiều quá mức?
Nếu bạn nhận ra mình quá nuông chiều con mình, hãy nhanh chóng tạo ra sự thay đổi tích cực trong gia đình và chấm dứt những hành vi không lành mạnh, có hại cho con bạn.
Khi bạn bắt đầu nói "không" và ngừng nuông chiều con mình quá mức, bạn có thể sẽ thấy con nảy sinh các vấn đề về hành vi. Con bạn có thể sẽ làm mọi thứ trong khả năng để phản đối và phá hoại những nỗ lực của bạn.
Tuy nhiên nếu bạn cư xử hợp lý, mạnh mẽ, có sự am hiểu tường tận vấn đề, bạn sẽ dần thay đổi tình hình, dạy được cho con mình những kỹ năng sống quý giá mà chúng cần để trở thành một người lớn có trách nhiệm.
Theo Tường Vy (Giadinh.suckhoedoisong.vn)