Trước đây, suy thận mạn là căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi nhưng hiện nay, có những trường hợp bệnh nhân còn rất trẻ đã mắc suy thận mạn và có chỉ định lọc máu. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các bệnh nhân đến viện trong tình trạng thận đã suy teo.
16 tuổi phải nghỉ học vì suy thận
Đang điều trị tại Khoa Thận - Tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Nông Nghiệp, Hồng Hoa (hiện 21 tuổi, tại Hà Nội) chia sẻ, dù là bệnh nhân trẻ tuổi tại khoa nhưng cô cũng đã gắn bó với khoa được 5 năm.
Nhớ lại thời điểm bắt đầu phải lọc máu chu kỳ do suy thận mạn, khi đó Hồng Hoa mới 16 tuổi. Lúc đó, Hồng Hoa thấy mặt và chân tay to lên nhưng chỉ nghĩ bản thân bị tăng cân do đang tuổi ăn tuổi lớn nên cô gái trẻ không để ý tới.
Khi Hồng Hoa bị phù nặng kèm theo mệt mỏi, gia đình mới đưa cô đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ thông báo Hoa bị suy thận giai đoạn 3.
"Lúc đầu, khi điều trị, em nghĩ chỉ ở lại viện một vài tháng rồi về nhưng điều trị duy trì được khoảng 7-8 tháng thì phải lọc máu chu kỳ. Sau đó, bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai giải thích em phải chạy lọc máu 3 lần/tuần nên em đã chuyển về Bệnh viện Nông Nghiệp gần nhà để tiếp tục điều trị", Hồng Hoa chia sẻ.
Bác sĩ động viên Hồng Hoa còn trẻ nên nhập viện chạy thận sớm để chờ đợi có thận hiến ghép.
Hồng Hoa tâm sự thêm: "Lúc trước em khoẻ lắm chẳng có bệnh tật gì, cũng chẳng ốm đau cả. Ở quê chỉ khi ốm sốt bố mẹ mới đưa tới bệnh viện khám. Em không ngờ chỉ thấy phù chân tay một chút mà đi khám đã bị suy thận rồi.
Thời gian đầu em cũng khó có thể chấp nhận được việc sống phụ thuộc vào cái máy lọc máu. Nhưng dần em cũng quen, nhờ chạy thận đều nên sức khoẻ của em ổn định", Hồng Hoa chia sẻ.
Hồng Hoa cho biết, khi bị suy thận phải chạy lọc máu chu kỳ, cô gái trẻ đi viện thường xuyên nên phải dừng việc học giữa chừng (thời điểm đó Hồng Hoa đang học lớp 10).
Từ khi biết bản thân mắc suy thận mạn, từ một cô gái vui vẻ, Hồng Hoa đã trở nên trầm ngâm hơn. Hồng Hoa chia sẻ cô rất mong muốn tìm được tạng phù hợp và ghép thành công để có một cuộc sống mới.
Hồng Hoa tâm sự thêm, vì đang chờ ghép thận nên cô chưa có dự định yêu đương hay lập gia đình với một ai đó. Khi nào thay thận thành công cô mới dám nghĩ tới chuyện tương lai.
Lời nhắn quý giá từ cô gái trẻ
Bị teo hỏng thận khi còn quá trẻ, Hồng Hoa cũng nhắn nhủ với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ cần quan tâm để ý và chú trọng tới sức khoẻ hơn. Đừng để đến khi bệnh nặng mới đi khám như cô thì quá muộn.
Hiện giờ, khi cuộc sống phải gắn liền với chiếc máy lọc máu, Hồng Hoa mới thấy quý trọng sức khoẻ hơn bao giờ hết.
BSCKII Lê Quang Hải, Khoa Thận - Tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Nông Nghiệp cho biết, trường hợp của Hồng Hoa khi tới viện thận đã teo nhỏ nên sinh thiết để tìm nguyên nhân không còn có nhiều ý nghĩa.
Theo bác sĩ Hải, ghép thận là một giải pháp giúp bệnh nhân suy thận mạn quay trở lại với cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề khó khăn nhất là nguồn tạng hiến khan hiếm. Đa phần các trường hợp ghép thận được thực hiện đều từ người thân cho.
Ngoài ra, vấn đề kinh phí ca ghép, thuốc thải ghép cũng là một số tiền không nhỏ đối với bệnh nhân có mong muốn ghép tạng.
Với trường hợp của Hồng Hoa, bệnh nhân có mong muốn ghép tạng. Trong gia đình bệnh nhân Hồng Hoa, bố mẹ cũng muốn hiến thận cho con gái nhưng cả hai đều bị tăng huyết áp nên không thể thực hiện được. Hiện, Hồng Hoa vẫn đang chờ tạng thích hợp để ghép.
Theo Ngọc Minh (Đời sống & Pháp luật)