Người bán phá nát cây cảnh phản đối 'thói quen xin hoa giờ cuối'
1. Siêu cây “mâm xôi con gà” giá triệu đô
Xuất hiện tại Festival sinh vật cảnh Thủ đô lần thứ nhất 2016, siêu cây “mâm xôi con gà" được coi là tâm điểm của giới cây cảnh và người yêu nghệ thuật.
“Mâm xôi con gà” là cây sanh cổ thụ hơn 150 năm tuổi, có xuất xứ từ thôn Ngô Sài, xã Sài Sơn, Quốc Oai, thuộc Hà Tây cũ, của dòng họ Phạm. Năm 1996, họa sĩ Đặng Xuân Cường (Cường họa sĩ), một nghệ nhân nổi tiếng ở đất Hà thành đã phát hiện, tìm mua và trực tiếp tạo dáng cho cây này. Qua nhiều tay của các đại gia chơi cây, hiện “Mâm xôi con gà” thuộc sở hữu của ông Nguyễn Nam Thành (Thành “vàng”) Việt Trì, Phú Thọ.
Xuất hiện tại Festival sinh vật cảnh Thủ đô lần thứ nhất, siêu cây “mâm xôi con gà” với vai trò là một khách mời đặc biệt. Ban tổ chức đã dành một vị trí độc, đẹp nhất của không gian triển lãm để du khách có cơ hội thuận lợi ngắm nhìn siêu cây độc nhất vô nhị này. Tháng 4. 2012, siêu cây triệu đô của đại gia đất Việt Trì đã được lên trang bìa tạp chí về nghệ thuật chơi cây cảnh, bonsai – BCI của Mỹ. Trong một triển lãm sinh vật cảnh, Mâm xôi con gà được định giá 6 triệu USD tương đương với 120 tỷ đồng.
Gốc cây sanh "ngậm" lấy hai khối đá to trông như một “mâm xôi con gà”, khối đá to phía bên dưới là mâm xôi, còn khối đá nhỏ nằm trên là con gà, rễ bám quanh khối đá như cái chân gà, trong khi thân chính của cây lại là phần đầu của con gà đang ngóc lên. Còn phía trên ngọn cây là hình hai con rồng uốn lượn, những cành cây tua tủa bện xoắn lại với nhau như “phượng múa rồng bay”.
2. Siêu phẩm “Ông bụt” của đại gia Việt Trì
Trong giới mê cây cảnh Việt Nam, cái tên Phan Văn Toàn (hay còn gọi là Toàn "đô la") ở TP. Việt Trì, Phú Thọ được xem là một trong những đại gia chơi ngông nhất. Chưa đầy 8 năm, đại gia này đã bỏ ra 120 tỷ để… chơi cây.
Ở Việt Trì, Toàn “đô la” sở hữu 3 khu vườn lớn, cây bét nhất của anh cũng có giá 50 triệu đồng, cây đẹp “tầm tầm” cũng vài trăm triệu đến vài tỷ, còn đẹp nhất có hai cây, gồm cây tùng “ông Bụt” và cây sanh “dáng làng”. Trong đó, cây tùng có tên “ông Bụt” được giới săn cây cảnh coi là bậc “đại trưởng lão” có giá tới 1,2 triệu USD vì có 500 năm tuổi!
Tác phẩm “ông Bụt” được đại gia Toàn “đô la” mua lại của một tay chơi Nam Định. Việc mua bán siêu cây cảnh triệu đô này đến này vẫn được giới chơi sinh vật cảnh kể như một giai thoại. Theo đó, lần đầu ông Toàn đến Nam Định, chủ nhân của siêu cây này bắt ông đứng ở xa quan sát không cho lại gần. Những lần sau đó, ông Toàn phải lặn lội đặt cao hổ tận bên Lào làm quà biếu và cũng phải mất một năm trời mới có vinh hạnh được “rước ông Bụt” về tư dinh của mình.
3. Xôn xao thương vụ mua bán siêu cây "Dấu ấn thời gian" giá 8 tỷ
Siêu cây “Dấu ấn thời gian” là cây sanh cổ, với dáng thế độc đáo, đẹp mắt được nhiều người ví là “biểu tượng” trong giới chơi cây. Cây có nguồn gốc từ Nam Định và từng được chính tay nghệ nhân nổi tiếng bậc nhất Hà Nội - ông Đặng Xuân Cường (hay còn gọi là Cường họa sỹ) tạo tác, chỉnh sửa.
Theo đó, cây cao khoảng 1m, đường kính thân bệ khoảng 60cm, hội tụ đủ 4 yếu tố “cổ, kỳ, mỹ văn” của một cây cảnh đẹp. Đặc biệt, bệ ôm đá, thân cây nổi u bướu rất đẹp mắt, các bông tán hài hòa, cân đối như một tác phẩm nghệ thuật.
Cùng với siêu cây “Mâm xôi con gà” đình đám trước đây, cây “Dấu ấn thời gian” được xem là cây cảnh có giá trị đắt đỏ bậc nhất, được nhiều người “săn” tìm.
Đầu năm 2017, cây được một dân chơi cây cảnh là anh Minh Dưỡng (Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội) bỏ tiền mua đứt. Thương vụ mua bán “siêu” cây này từng gây xôn xao và ồn ào trong suốt một thời gian dài. Thậm chí, khi sở hữu thành công cây cảnh giá trị này, chủ nhân mới còn mời dân chơi sinh vật cảnh ở khắp mọi miền đất nước về mở tiệc linh đình.
4. Tác phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" được nhận định giá khoảng 60 tỷ đồng
Bộ tác phẩm gồm 5 chiếc thuyền với nhiều kích cỡ khác nhau làm bằng gỗ sao đen mô tả trận chiến trên sông Bạch Đằng. Anh Phạm Đức Thịnh – chủ nhân của tác phẩm này cho biết, anh phải mất gần chục năm để sưu tầm và thực hiện siêu phẩm này. Trong đó, nguồn gỗ lấy từ các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên.
Anh đã dùng lũa, tức là phần lõi của cây gỗ, tìm được dưới lòng đất, lòng sông suối từ hàng ngàn năm trước để tạo tác nên bộ tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đặc sắc này. Mẫu gỗ sao đen này đã được anh Thịnh gửi mẫu sang Nhật Bản và Trung tâm Phóng xạ Các bon của nước này xác nhận gỗ lũa có niên đại 1.240 năm.
Theo anh Thịnh, giá của tác phẩm này không phải là vấn đề lớn, cái nổi bật của nó nằm ở tính văn hóa lịch sử và tùy vào cách cảm nhận của từng người chơi cây cảnh. Nhiều người nhận định, bộ siêu phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" có giá là 3 triệu USD, tức gần 60 tỷ đồng.
5. Siêu cây trâm vối giá hàng chục tỷ đồng vẫn chưa bán
Mấy năm gần đây, ông Nguyễn Văn Ngọ (62 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) không còn xa lạ gì trong giới cây cảnh. Ông Ngọ được biết đến không chỉ bởi kinh nghiệm chơi cây, săn lùng được nhiều cây cảnh độc, lạ, cùng vườn cây cảnh quý lên đến gần nghìn cây khác nhau mà còn bởi, ông đang sở hữu siêu cây trâm vối độc nhất Việt Nam.
Theo ông Ngọ, ở Việt Nam trâm vối không phải là hiếm, có rất nhiều, nhưng hầu hết đều là những cây to, dáng chỉ có 1-2 thân. Còn cây trâm vối này có dáng tự nhiên, quần long hội tụ, là của độc, tìm cả Việt Nam không có được cây thứ hai.
Nói về tuổi thọ của cây, ông Ngọ thừa nhận, ông cũng không thể biết chính xác cây trâm vối bao nhiêu tuổi, chỉ đoán được rằng, để có được thế cây tự nhiên đẹp như thế này thì cây trâm cũng phải có tuổi thọ lên đến trên 500 năm chứ không ít. Cây trâm vối cho lá quanh năm. Mùa xuân, cây nảy lộc đâm chồi, ra hoa đậu quả, đến tầm tháng 9 thì quả to bằng đầu ngón tay út và chín. Khi chín, quả có màu tím cực đẹp, ai thích có thể hái ăn, vị ngọt hơi chát rất ngon.
Sở hữu cây trâm vối này được hơn 5 năm nay, ông Ngọ đã đón hàng ngàn lượt khách tới vườn chơi để chiêm ngưỡng siêu cây cảnh có một không hai này. Trong đó, khách là dân mê chơi cây cảnh, là các nhà vườn cũng có nhiều. Thậm chí, còn có các đoàn khách của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Thái Lan,... cũng đến xem cây. Nhiều người xem xong ngỏ ý muốn mua với giá hàng chục tỷ đồng nhưng ông chưa bán.
Theo L.V.S (Dân Việt)