Theo thông tin công bố của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) hãng này vừa thoái 35% vốn góp thành công tại Cambodia Angkor Air, với tổng giá trị khoảng 35 triệu USD. Việc thoái vốn cho bên nhận chuyên nhượng được thực hiện theo thỏa thuận giữa hai bên, trong hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
Vụ việc hoàn tất, Cambodia Angkor Air không còn là công ty liên kết của Vietnam Airlines.
Hãng không tiết lộ thông tin của đối tác mua lại phần vốn này.
Tại Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 đã được kiểm toán, Vietnam Airlines cho hay, từ tháng 1/2022 và tháng 3/2022, hãng lần lượt nhận được 30 triệu USD và 4 triệu USD từ nhà đầu tư mua lại phần vốn góp tại Cambodia Angkor Air. Năm 2019, Vietnam Airlines đã nhận khoản đặt cọc với giá trị 1 triệu USD.
Theo thỏa thuận giữa hai bên, Vietnam Airlines sẽ hoàn thành các điều khoản trong thỏa thuận và thanh lý 14% phần vốn góp còn lại tại Cambodia Angkor Air trong năm 2022.
Năm 2009, Vietnam Airlines tham gia góp 49% vốn và trở thành cổ đông lớn tại Cambodia Angkor Air. Sự hợp tác này nhằm hỗ trợ tối đa cho Cambodia Angkor Air trong quá trình triển khai hoạt động mở rộng và phát triển, cũng như thực hiện các công việc bảo dưỡng, sửa chữa, hợp tác thương mại. Tuy nhiên, từ 2017, Vietnam Airlines bắt đầu lên kế hoạch thoái vốn khỏi hãng này. Tới năm 2020, khi dịch Covid-19 tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh, hãng quyết định rút toàn bộ phần vốn góp 49% tại Cambodia Angkor Air.
Hoạt động này của Vietnam Airlines là một trong những nỗ lực nhằm đưa hãng vượt qua giai đoạn khó khăn, chuẩn bị nguồn lực cho giai đoạn phục hồi và phát triển hậu Covid, trong bối cảnh hãng suy kiệt nghiêm trọng dòng tiền.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 đã được kiểm toán, do Vietnam Airlines công bố, DN này lỗ sau thuế 13.279 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến 31/12/2021 là 21.961 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm, tuy kinh doanh có khởi sắc, nhưng Hãng hàng không quốc gia Việt Nam vẫn lỗ 2.685 tỷ đồng, kéo mức lỗ lũy kế lên 24.646 tỷ đồng.
Tại hội thảo về Phục hồi và phát triển hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới diễn ra mới đây, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, cho hay, Vietnam Airlines thiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán, mất vốn chủ sở hữu.
Do vậy, Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines, trong đó có 4.000 tỷ đồng tái cấp vốn từ các tổ chức tín dụng, 8.000 tỷ đồng phát hành cổ phiếu và tăng vốn điều lệ; đối với khoản vay tái cấp vốn, chênh lệch lãi suất cũng được tính toán để quy đổi thành vốn Nhà nước đầu tư vào Vietnam Airlines, một động thái hỗ trợ của chủ sở hữu Nhà nước khi nắm tới 86% cổ phần của hãng.
Bên cạnh đó, Chính phù đã giao cho Ủy ban quản lý vốn trực tiếp làm việc với DN, tập trung vào 2 đề án: Đề án tổng thể hỗ trợ phục hồi và giải cứu Vietnam Airlines sau đại dịch.
Trong tổng thể đề án tái cơ cấu toàn diện Tổng công ty, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước đã yêu cầu hãng cơ cấu lại tài sản (đội tàu bay), danh mục đầu tư vào các đơn vị thành viên, danh mục đất và tài sản trên đất, thoái vốn tại các khoản đầu tư không phải là co-bussiness của DN; đồng thời, tái cơ cấu lại tổ chức, cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng tính gọn, đổi mới quản trị DN,…
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng cần cơ cấu lại nguồn vốn, trong đó có vấn đề phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, huy động vốn từ bên ngoài thậm chí phát hành trái phiếu DN,... có thể là trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.
Do đó, ngoài thoái vốn (như tại Cambodia Angkor Air), tái cơ cấu danh mục đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết, Vietnam Airlines đang đẩy nhanh các giải pháp tái cơ cấu tài sản để bổ sung dòng tiền.
Theo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), chi phí cố định một tháng của Vietnam Airlines hiện vào khoảng 1.600 tỷ. Đến nay, hãng đã đàm phát với 11 bên cho thuê tàu bay, huỷ hoãn giá trị gần 1 tỷ USD giai đoạn từ nay đến 2025.
Theo Ngọc Hà (VietNamNet)