Xóa bỏ thuế khoán hộ kinh doanh từ 1/1/2026, Quốc hội chốt nghị quyết quan trọng

18/05/2025 08:10:43

Phương pháp tính thuế khoán truyền thống đối với hộ kinh doanh sẽ chính thức bị "khai tử" từ ngày 1/1/2026. Quyết định mang tính bước ngoặt này được thông qua tại Nghị quyết 198/2025/QH15 vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 17/5/2025.

Xóa bỏ thuế khoán hộ kinh doanh từ 1/1/2026, Quốc hội chốt nghị quyết quan trọng
Quốc hội họp, thông qua nghị quyết 198/2025/QH15.

Nghị quyết 198/2025/QH15, tập trung vào các cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, đã dành một phần quan trọng cho các chính sách hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí.

Chính sách thuế đột phá theo Nghị quyết 198/2025/QH15:

Ngoài việc loại bỏ thuế khoán, Nghị quyết còn mang đến nhiều ưu đãi thuế hấp dẫn khác:

- Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được "tiếp sức": Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư và các tổ chức hỗ trợ lĩnh vực này sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động đổi mới sáng tạo.

- Ưu đãi cho chuyển nhượng vốn: Thu nhập từ việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn hoặc quyền mua vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Đãi ngộ chuyên gia, nhà khoa học: Chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo hoặc các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân trong 2 năm đầu và giảm 50% trong 4 năm kế tiếp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công.

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận "đỡ đầu": Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm kể từ lần đầu tiên được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực: Chi phí đào tạo và đào tạo lại nhân lực do doanh nghiệp lớn thực hiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi liên kết sẽ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Thay đổi phương thức nộp thuế: Từ ngày 1/1/2026, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh sẽ không còn áp dụng phương pháp khoán thuế mà thay vào đó sẽ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

- Xóa bỏ lệ phí môn bài: Việc thu, nộp lệ phí môn bài sẽ chấm dứt hoàn toàn kể từ ngày 1/1/2026.

- Miễn phí giấy tờ khi sắp xếp bộ máy nhà nước: Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sẽ được miễn thu phí, lệ phí khi phải cấp lại, cấp đổi các loại giấy tờ do việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhà nước theo luật định.

Như vậy, Quốc hội đã chính thức ấn định mốc thời gian loại bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh là từ ngày 1/1/2026.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã giải trình về dự thảo nghị quyết, nhấn mạnh việc bỏ thuế khoán là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Mục tiêu là nhằm minh bạch hóa hoạt động của hộ kinh doanh, tạo sự công bằng về nghĩa vụ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích các hộ chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp chuyên nghiệp hơn.

Tiếp thu ý kiến đóng góp từ các đại biểu Quốc hội, thời điểm áp dụng việc bỏ thuế khoán đã được điều chỉnh từ ngày 1/7/2026 (theo dự thảo ban đầu) lên sớm hơn, chính thức áp dụng từ ngày 1/1/2026.

Để hỗ trợ hộ kinh doanh trong quá trình chuyển đổi và giảm bớt gánh nặng chi phí, đặc biệt là khuyến khích chuyển đổi số, dự thảo nghị quyết cũng quy định Nhà nước sẽ bố trí kinh phí để cung cấp miễn phí các nền tảng số và phần mềm kế toán chung cho các hộ kinh doanh.

Theo số liệu từ Cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến hết tháng 3/2025, có gần 2 triệu hộ, cá nhân kinh doanh đang nộp thuế theo hình thức khoán, chiếm tới 76% tổng số hộ kinh doanh hiện tại. Trong khi đó, chỉ có vỏn vẹn 6.142 hộ lựa chọn phương pháp kê khai. Điều đáng nói là mức nộp thuế khoán hiện nay khá thấp, bình quân chỉ hơn 670 nghìn đồng/tháng/hộ trong quý đầu năm, trong khi hộ nộp thuế theo kê khai có mức bình quân lên tới 4,6 triệu đồng/tháng/hộ. Việc chuyển đổi sang phương thức nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế được kỳ vọng sẽ góp phần thu đúng, thu đủ và tạo sự bình đẳng hơn trong nghĩa vụ thuế.

PTH (SHTT)

Nổi bật