Xô đổ mọi kỷ lục, giá vàng SJC lập đỉnh mới 87,5 triệu đồng/lượng

07/05/2024 13:44:56

Giá vàng miếng SJC sáng nay 7/5 lại lập đỉnh mới khi đạt 87,5 triệu đồng/lượng, đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Theo VnExpress, trong gần hai tiếng sau khi mở cửa sáng 7/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) 5 lần điều chỉnh tăng biểu giá mua bán vàng miếng. Tới 10h, mỗi lượng SJC tăng 1 triệu đồng so với hôm qua, lên 85,3 - 87,5 triệu đồng, là mức cao nhất từ trước đến nay.

Giá vàng miếng SJC giao dịch tại các nhà vàng khác cũng trong xu hướng tăng nhưng biến động chậm hơn. Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng miếng cùng thời điểm lên 84,8 - 86,95 triệu. Còn tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, mỗi lượng tăng với biên độ thấp hơn, neo quanh vùng 86 triệu đồng.

Xô đổ mọi kỷ lục, giá vàng SJC lập đỉnh mới 87,5 triệu đồng/lượng
Ảnh minh họa: Internet

Sáng nay, vàng nhẫn trơn cũng tăng thêm vài chục nghìn đồng tới 200.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua, tùy thương hiệu. SJC nâng giá nhẫn trơn lên 73,5 - 75,2 triệu. Nhẫn trơn Hưng Thịnh Vượng của DOJI tăng lên 74,05 - 75,55 triệu. Còn giá mặt hàng này tại Bảo Tín Minh Châu neo quanh 74,1 - 75,6 triệu đồng.

Chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và thế giới bị nới rộng, do gần đây các doanh nghiệp có xu hướng điều chỉnh nhanh hơn. Tình trạng này diễn trong trong bối cảnh sau 4 phiên gọi thầu, Ngân hàng Nhà nước phải hủy 3 phiên, 1 phiên tổ chức thành công nhưng chỉ bán được 3.400 lượng vàng miếng SJC cho 2 đơn vị.

Trên thị trường quốc tế, mỗi ounce vàng giao ngay lúc 9h30 giờ Hà Nội, neo quanh 2.322 USD. Quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank (chưa kể thuế phí), giá vàng quốc tế tương đương 71,26 triệu đồng một lượng, thấp hơn 15,7 triệu đồng so với vàng miếng trong nước.

Vì sao giá vàng miếng SJC tăng liên tiếp, bỏ xa cả vàng nhẫn và vàng thế giới? Báo Người lao động dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới NPJ, cho rằng nguồn cung trên thị trường đang rất hạn chế nên dù nhu cầu không tăng quá mạnh, giá vàng SJC vẫn đi lên.

"Quan trọng là tâm lý của người dân và thị trường hiện kỳ vọng giá còn tăng tiếp trong dài hạn nên không ai vội bán ra. Vì kỳ vọng giá tăng nên người mua sẵn sàng mua với giá cao hơn, trong khi giải pháp đấu thầu vàng miếng từ Ngân hàng Nhà nước chưa giúp tăng nguồn cung cho thị trường nhiều như kỳ vọng" - ông Trọng nói.

PN (SHTT)

Nổi bật