Vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng, vì sao càng can thiệp giá càng tăng?

06/05/2024 16:21:44

Vào lúc 14h30 ngày 6/5, giá vàng miếng SJC tăng lên trên 86 triệu đồng/lượng. Đây là mức cao nhất trong lịch sử và nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 84,3 - 86,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 600.000 đồng/lượng so với đầu phiên giao dịch buổi sáng. Chênh lệch mua - bán 2,2 triệu đồng/lượng.

Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC 83,85 - 85,85 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức 2.323 USD/ounce, tăng 21 USD/ounce so với đầu giờ sáng.

Vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng, vì sao càng can thiệp giá càng tăng?
Giá vàng miếng SJC liên tục lập đỉnh mới (ảnh: Như Ý).

Giá vàng liên tục neo ở mức giá cao trong bối cảnh, Ngân hàng Nhà nước 4 lần tổ chức đấu thầu vàng miếng nhưng có tới 3 lần thất bại do không đủ số lượng doanh nghiệp bỏ phiếu.

Lần duy nhất tổ chức thành công là hôm 23/4, song chỉ bán được 20% số lượng vàng chào thầu cho 2 đơn vị là ACB và SJC. Phiên đấu thầu bị "ế" 13.400 lượng vàng.

Ngày 3/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước lần thứ 4 tổ chức phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Tuy nhiên, chỉ có một đơn vị nộp phiếu tham dự. Do đó, phiên đấu thầu tiếp tục bị hủy.

Trong khi đó, hoạt động đấu thầu vàng miếng là giải pháp được Ngân hàng Nhà nước đưa ra với kỳ vọng tăng cung ra thị trường, qua đó giảm chênh lệch giá vàng miếng với thế giới.

Một chuyên gia từ Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, việc đấu thầu vàng sai lầm ngay từ đầu khi áp đặt mức giá cọc và tham chiếu cao nên mục tiêu kéo giá xuống hoàn toàn thất bại.

"Giá thế giới tính cả thuế phí khoảng 74 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá cọc ở Việt Nam lên tới gần 83 triệu đồng/lượng. Bản thân Ngân hàng Nhà nước đã định giá vàng cao như vậy làm sao mà kéo được giá xuống sau đấu thầu?", vị chuyên gia nói.

Trước sự tăng giá điên cuồng của vàng miếng SJC sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp, trao đổi với PV Tiền Phong , chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết: "Chúng ta phải đặt câu hỏi ai đang quyết định giá vàng miếng SJC trên thị trường? Hiện nay, đơn vị tham gia đấu giá thời điểm này dù giá cao nhưng vẫn có khả năng có lãi nhưng nhiều doanh nghiệp không tham gia đấu khiến Ngân hàng Nhà nước hủy đấu thầu 3 lần. Cơ quan quản lý nên tìm hiểu".

Ông Ánh nghi ngờ liệu mục tiêu có phải kéo giá vàng trong nước xuống không? "Cơ quan quản lý không thể nói khơi khơi. Kéo chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới đến mức nào phải rõ. Kéo về sát thế giới khoảng 70-71 triệu đồng/lượng hay mục tiêu kéo cao hơn thế giới 5 triệu đồng/lượng?", ông Ánh nói.

Bên cạnh đó, ông Ánh cho rằng, thời gian này khi giá vàng miếng SJC tăng cao, xu hướng người dân chuyển qua mua vàng nhẫn . Điều này dẫn tới thị trường khan vàng nhẫn đến mức người dân nộp tiền vào đợi vài ngày mới nhận được vàng, thậm chí cửa hàng còn thông báo khi nào có vàng sẽ thông báo cho khách.

"Rõ ràng kịch bản giá vàng miếng SJC tăng giá liên tục rất có lợi cho người kinh doanh vàng nhẫn", ông Ánh nói.

Từ đầu năm đến nay, giá vàng miếng SJC tăng khoảng gần 8 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn từ mốc 65 triệu đồng/lượng lên hơn 75 triệu đồng/lượng.

Ông Ánh cho biết, giá vàng SJC được Ngân hàng Nhà nước quản lý nhưng với vàng nhẫn buông lỏng trong khi đây là một dạng tiền tệ.

"Đây không phải vàng trang sức mà là loại biến tướng không được quản lý nhiều năm nay. Cơ quan chức năng phải trả lời những câu hỏi này mới giải quyết được thị trường vàng, bởi vàng miếng SJC và vàng nhẫn có mối liên quan đến nhau", ông Ánh cho hay.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 cho hay, chỉ số giá vàng trong nước tăng 6,95% so với tháng trước và tăng trên 17% so với tháng 12/2023. Giá vàng đã tăng 28,62% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm, giá vàng trong nước tăng 20,75%.

Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)

Nổi bật