Trong khi không ít GrabBike “chạy chui”, bắt khách dọc đường thì cánh xe ôm truyền thống mua mũ bảo hiểm, áo đồng phục để mạo danh GrabBike.
Trong những ngày nhập vai xe ôm công nghệ, tôi chứng kiến không ít xe ôm công nghệ phá vỡ ‘luật chơi’. Họ chèo kéo khách, "chạy chui" không khác gì một xe ôm truyền thống. Ngược lại, xe ôm truyền thống khi thất thế cũng mặc áo, đội mũ Grab để lừa khách.
Grabbike vẫy khách, chạy “chui”
Sau khi đã có chút kinh nghiệm, tôi quyết định ra các bến xe, nơi mà dân Grab luôn coi là “điểm nóng” để ghi nhận.
Một buổi sáng oi ả của tiết trời tháng 6, chạy một vòng quanh bến xe Mỹ Đình, tôi vừa dừng chân trước cổng chính thì bị cảnh sát trật tự đến đuổi đi. Họ yêu cầu cánh GrabBike đứng đợi khách ở một phần trên vỉa hè đường Phạm Hùng (phía cổng ra của bến xe).
Lúc tôi đến nơi đã có khoảng hơn 20 “áo xanh” GrabBike ngồi trên xe máy, đeo tai nghe, tay khư khư cầm điện thoại chờ "nổ cuốc".
Tại bến xe Mỹ Đình, “lãnh địa” giữa xe ôm truyền thống và GrabBike được phân biệt khá rõ ràng.
Xe ôm truyền thống có thể đứng trước cổng, vào sân, nhà chờ bến xe để bắt, chèo kéo, mời mọc khách. Trong khi đó, Grab chỉ đứng “hóng” vòng ngoài hoặc đứng đợi trên vỉa hè.
Dù bị cấm nhưng nhiều GrabBike vẫn bất chấp vẫy khách, "chạy chui". Ảnh: Văn Chương. |
Tôi bật ứng dụng ở mức sẵn sàng chạy, đứng chờ cả tiếng đồng hồ nhưng điện thoại vẫn im lìm không khách. Trong khi đó, những đồng nghiệp của tôi trong cộng đồng Grab bắt đầu phá “luật chơi” bằng cách bắt khách dọc đường, không qua hệ thống.
Dù có “lệnh giới nghiêm” nhưng nhiều Grab vẫn chạy “chui” không qua hệ thống. Chạy ngoài, họ vừa không chỉ tránh bị ăn chia (15% chi phí chuyến) cho công ty mà còn có thể tính giá cao hơn.
Theo anh H. bình thường giá công ty tính trên ứng dụng chỉ 3.800 đồng/km, nhưng chạy ngoài, cánh lái xe thường tính trên ứng dụng là 5.000-6.000 đồng/km. Thậm chí gặp khách “gà”, họ tính đến 7.000 đồng/km. Giá này vẫn rẻ hơn và đủ để đánh bật xe ôm truyền thống.
Theo quan sát của phóng viên, cổng ra của bến xe Mỹ Đình luôn có khoảng gần 10 GrabBike đứng vẫy khách cùng xe ôm truyền thống. Mỗi khi có khách, họ lại dẫn ra phía vỉa hè đường Phạm Hùng chở đi. Giá cả được thỏa thuận luôn bằng miệng không khác gì xe ôm truyền thống.
Đứng ở đây khoảng một tiếng đồng hồ, tôi đếm số lượng GrabBike bắt được khách qua hệ thống chỉ trên đầu ngón tay trong khi số khác lại hối hả với những cuốc xe hợp đồng miệng.
Một Grabike, sau khi chạy đủ 10 cuốc sẽ được phát 3 chiếc áo đồng phục và 2 chiếc mũ. Công ty quy định khi đón và chở khách GrabBike phải mặc áo, đội mũ nghiêm chỉnh.Xe ôm công nghệ “nhái”
Lê la ở bến xe Mỹ Đình, bến xe Giáp Bát, tôi thấy không ít xe ôm chỉ đội mũ hoặc chỉ mặc áo Grab. Họ đều đã lớn tuổi và vẫy khách rất nhiệt tình. Hầu như tất cả cánh xe ôm công nghệ đều biết đó là GrabBike “nhái”.
Một GrabBike "nhái" chỉ mặc áo nhưng không có mũ đồng phục tại bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Văn Chương. |
Anh H. ghé tai tôi nói rằng cánh xe ôm truyền thống thất thế do không thể cạnh tranh được nên dựa vào cái mác của Grab để bắt khách. Họ xin hoặc mua lại mũ, áo đồng phục. Người thì có áo không có mũ, người thì có mũ không có áo.
Đội ngũ xe ôm công nghệ “nhái” thường dựng xe cùng nhóm GrabBike nhưng đứng trước cổng bến bắt khách. Khi “săn được mồi”, họ cho khách đợi ở cổng chính rồi đi bộ ra đường lấy xe đến đón.
Tôi hỏi sao cánh xe ôm công nghệ không chụp ảnh, báo cáo công ty về tình trạng GrabBike “nhái” để xử lý, anh H. lắc đầu bảo: “Xử lý làm sao được. Họ mặc gì là quyền của họ. Hơn nữa công ty cũng chẳng rảnh rỗi để đi giải quyết những việc này”.
Anh H. bảo bến Mỹ Đình đứng quen anh có thể đếm được khoảng 10-15 GrabBike nhái. Nhiều khi họ chèo kéo khách cũng khiến anh khó chịu nhưng anh em GrabBike cũng "phá luật", vẫy khách nên chẳng thể nói được ai.
“Đứng ở bến xe đông khách nhưng phải dám mạo hiểm chở ngoài. Bởi họ đều từ quê lên lấy đâu ra ứng dụng mà book. Thanh tra Grab phát hiện chạy ‘lậu’ sẽ bị khóa tài khoản vĩnh viễn”, anh H. nói. |
Theo Văn Chương (Tri Thức Trực Tuyến)